Hiệu quả từ một cuộc thi 'sáng, xanh, sạch, đẹp'

Cách đây hơn 13 năm, nhận thấy việc xây dựng cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp khá nhọc nhằn, bởi ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang quyết tâm tham mưu UBND tỉnh phát động và tổ chức Cuộc thi 'Mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp'.

Đến nay sau 7 lần tổ chức, cuộc thi có sức lan tỏa sâu rộng và ngày càng phát huy được hiệu quả; diện mạo cảnh quan nông thôn tại tỉnh Hậu Giang đã có sự thay đổi tích cực.

Những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu có dịp về các vùng quê trên địa bàn xã nông thôn mới Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp điều làm chúng tôi ấn tượng nhất đó là hệ thống giao thông nông thôn khá hoàn chỉnh với các tuyến đường trục xã, liên xã, thôn, xóm điều được nhựa hóa và bê tông hóa khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hoàng, ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp cho biết: “Lúc trước, đường sá đi lại khó khăn, cỏ mọc um tùm hai bên hết, đời sống bà con cũng còn nhiều khó khăn… Rồi tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu được thành lập đến nay, tình hình an ninh trật tự, đời sống bà con, cũng như tình làng nghĩa xóm giờ tốt lắm".

Tuyến đường bê tông hóa với hàng rào cây xanh tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân.

Tuyến đường bê tông hóa với hàng rào cây xanh tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân.

Không chỉ làm đẹp làng xóm, quê hương việc xây dựng Tổ Nhân dân tự quản kiểu mẫu (NDTQKM) ở huyện Phụng Hiệp thời gian gần đây đã trở thành phong trào giúp người dân nâng cao thu nhập thông qua các mô hình liên kết sản xuất. Điển hình như ấp Tân Hưng, thị trấn Búng Tàu tới nay đã được công nhận 2/5 Tổ NDTQKM. Nếu như đối với Tổ NDTQKM số 02 đã vận động người dân chuyển đổi trên 10ha mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao thì đối với Tổ NDTQKM số 01 được biết đến với mô hình nuôi ba ba cho thu nhập bình quân mỗi năm từ 80 – 150 triệu đồng, cá biệt có những hộ lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Đỉnh, Bí thư, Trưởng ấp Tân Hưng, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp cho biết: “Qua phát động xây dựng mô hình Tổ NDTQKM người dân rất đồng tình, bằng cách trồng hoa kiểng, làm cột cờ, hàng rào cây xanh. Không chỉ vậy, người dân trong ấp còn chia sẻ kinh nghiệm cách làm ăn, hỗ trợ cây con giống với giá thấp để nâng cao thu nhập phát triển kinh tế gia đình, phấn đấu trong ấp không còn hộ nghèo trong thời gian tới”.

Theo ông Phạm Văn Thế, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phụng Hiệp, Tổ NDTQKM là một trong nhiều mô hình của Cuộc thi Mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp”. “Với việc xây dựng thành công nhiều Tổ NDTQKM như thế đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm này huyện Phụng Hiệp đã xây dựng đạt 6/12 xã nông thôn mới, gồm Thạnh Hòa, Phương Phú, Phương Bình, Bình Thành, Phụng Hiệp và Long Thạnh, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020. Các xã còn lại đạt từ 10-17 tiêu chí, trong đó xã Tân Long phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ 2015-2020 huyện Phụng Hiệp cũng đã xây dựng thành công thị trấn Búng Tàu đạt chuẩn thị trấn văn minh đô thị và xã Tân Long đạt chuẩn đô thị loại V, góp phần cùng với huyện giảm tỷ hộ nghèo xuống còn 5,56%; hộ cận nghèo còn 4,32%”, ông Thế cho hay.

Người dân trong Tổ NDTQKM liên kết với nhau trong sản xuất (trong hình HTX dưa lưới Thuận Phát sử dụng ong mật để thụ phấn dưa lưới, giúp tỷ lệ đậu trái đạt trên 98% )

Người dân trong Tổ NDTQKM liên kết với nhau trong sản xuất (trong hình HTX dưa lưới Thuận Phát sử dụng ong mật để thụ phấn dưa lưới, giúp tỷ lệ đậu trái đạt trên 98% )

Nếu huyện Phụng Hiệp ghi dấu ấn bằng mô hình Tổ NDTQKM, thì huyện Vị Thủy cũng tạo nét riêng bằng mô hình trồng hoa kiểng ven lộ ở ấp 6, xã Vị Thắng. Những người có thời gian rảnh được cô Trương Thị Đào tập hợp lại và đi trồng hoa, thành hai hàng thẳng tắp. Cô chia sẻ, lúc đầu người dân cũng xì xào, nói mình làm chuyện bao đồng, nhưng khi thấy đẹp, họ ý thức hơn, cùng nhau chăm chút để nối dài tuyến đường hoa.

Rồi các địa phương khác cũng nghĩ cách tạo dấu ấn riêng cho mình bằng việc xây dựng những mô hình: Tuyến phố văn minh đô thị, Con đường đẹp kiểu mẫu, Hộ gia đình kiểu mẫu… Cái chính vẫn là nâng cao nhận thức, kéo người dân cùng vào cuộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Từ đó, danh hiệu văn hóa dần đi vào thực chất, tránh việc phát động rồi bỏ trôi.

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang cho biết, mỗi lần thi kéo dài trong 02 năm và luôn có sự thay đổi về mô hình được phát động tham gia dự thi, để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Qua 7 lần thi, các mô hình được phát động bao gồm: Hộ gia đình; ấp, khu vực văn hóa; tuyến đường; trung tâm văn hóa – thể thao cấp xã; nhà văn hóa ấp đạt chuẩn; cơ quan; trường học; chợ; cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở thờ tự; tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu…

“Mỗi lần tổ chức, chúng tôi đều có sự điều chỉnh, thay đổi một số mô hình cho phù hợp với từng cấp thi. Cùng với đó là sự quan tâm, giám sát việc tổ chức ở từng cấp. Sức lan tỏa của cuộc thi tạo thêm niềm tin để chúng tôi tiếp tục tổ chức, tạo thêm sự thay đổi. Tuy nhiên, mỗi lần tổ chức, yêu cầu càng cao, có sự trở lại của các mô hình từng đạt giải cao cùng tham gia. Từ đó, đòi hỏi mỗi tập thể, cá nhân phải có sự sáng tạo, nâng chất để mô hình không chỉ đẹp mà còn tạo dấu ấn, mới có thể đạt giải”, bà Lý cho biết thêm.

Qua 7 lần tổ chức đến nay, cuộc thi đã có sức lan tỏa rộng, ý thức người dân nâng lên rất nhiều, đi đến đâu cũng thấy những hàng rào cây xanh được chăm chút hết sức tỉ mỉ, độc đáo và lạ mắt tạo nên nhiều tuyến đường đẹp; mô hình hộ gia đình có cảnh quan, môi trường đẹp ngày càng được nối dài; cơ quan, trường học, cơ sở khám - chữa bệnh cũng ngày càng khang trang, sạch và đẹp hơn trước rất nhiều… Các mô hình này được toàn xã hội đánh giá cao và nhân rộng, tạo thành phong trào nhà nhà thi đua, người người thi đua trong việc tạo cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Từ đó, tạo nên sự đa dạng, đem đến cảm giác mới lạ và thích thú cho người dân, từng bước làm thay đổi dần diện mạo cảnh quan, môi trường trên khắp quê hương.

Bài, ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/hieu-qua-tu-mot-cuoc-thi-sang-xanh-sach-dep-651601