Hiệu quả từ nâng cao chất lượng hoạt động giám sát ở HĐND tỉnh

Phát huy vai trò đại biểu dân cử, thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn là cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương, thời gian qua, HĐND tỉnh đã thực hiện có hiệu quả công tác giám sát việc triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghị quyết của HĐND các cấp. Từ đó, đưa ra nhiều quyết định quan trọng trên các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đa dạng hình thức, phong phú nội dung

Giám sát là một trong những chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của HĐND thể hiện dưới hai hình thức là hoạt động giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề. Qua hoạt động giám sát, HĐND có thể kiểm chứng tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của các quyết nghị đã được thông qua, kiểm tra việc thực hiện, chấp hành các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các nghị quyết của HĐND để kịp thời phát hiện những vướng mắc, khó khăn tồn tại, hạn chế và đề xuất các kiến nghị, giải pháp khắc phục.

Với nhiều hình thức như giám sát tại kỳ họp...

Với nhiều hình thức như giám sát tại kỳ họp...

Năm 2022, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đã hoàn thành chương trình giám sát HĐND tỉnh đề ra. Về cơ bản, các cuộc giám sát đều đảm bảo đúng quy trình, dân chủ, công khai, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế.

Phạm vi các cuộc giám sát được mở rộng, giám sát đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn. Nội dung giám sát đã quan tâm đến những vấn đề mà cử tri kiến nghị nhiều. Về hình thức giám sát, được HĐND, Thường trực HĐND và các Ban HĐND tổ chức đa dạng, phong phú, hiệu quả.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thường trực HĐND, các Ban HĐND đã tập trung xây dựng kế hoạch và thực hiện Nghị quyết số 20 ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh về chương trình giám sát chuyên đề năm 2023 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, chương trình công tác của Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh năm 2023.

Theo đó, HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề về công tác quản lý nhà nước, đầu tư phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Các Ban HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc quản lý, tổ chức thực hiện thu và sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; giám sát về công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức cấp xã.

Nhìn chung, hoạt động giám sát từ đầu năm 2023 đến nay được HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh và các cơ quan tích cực triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.

Công tác chuẩn bị cho cuộc giám sát được thực hiện chu đáo. Nghị quyết giám sát của HĐND tỉnh, kết luận giám sát của Thường trực HĐND, Báo cáo kết quả giám sát của các Ban HĐND tỉnh đã đánh giá rõ ưu điểm, hạn chế, tồn tại, những khó khăn, vướng mắc, tìm ra nguyên nhân, từ đó có các kiến nghị, yêu cầu cụ thể để các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp thu, khắc phục.

Nhiều ý kiến kiến nghị giám sát được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khắc phục kịp thời. Đồng thời, quan tâm đến việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND tỉnh.

Không ngừng đổi mới

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh trong thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế như: Công tác chuẩn bị một số cuộc giám sát phải điều chỉnh để phù hợp thực tế. Quá trình chuẩn bị hoặc trong quá trình giám sát phải bổ sung thêm văn bản gửi các đơn vị. Thành viên các ban HĐND tỉnh tham dự các cuộc giám sát chưa đầy đủ; thành phần tham gia giám sát của một số sở, ngành không đúng thành phần, thậm chí cử cán bộ tham dự không đúng chuyên môn.

...hay giám sát chuyên đề, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đều không ngừng đổi mới và đạt được những hiệu quả tích cực.

...hay giám sát chuyên đề, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đều không ngừng đổi mới và đạt được những hiệu quả tích cực.

Một số đơn vị chịu sự giám sát chuẩn bị báo cáo chậm, thời gian gửi tài liệu cho đoàn giám sát không đúng với kế hoạch, chất lượng báo cáo chưa đảm bảo, thời gian gửi thành viên đoàn giám sát nghiên cứu tài liệu ngắn ảnh hưởng đến chất lượng giám sát.

Các đơn vị chịu sự giám sát chưa chủ động báo cáo tình hình thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh, chỉ báo cáo khi Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh yêu cầu…

Nhằm nâng cao, phát huy hơn nữa vai trò đại biểu dân cử, khắc phục những hạn chế, mở rộng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức tiếp xúc cử tri theo hướng đại biểu và cử tri cùng trao đổi về những vấn đề cử tri quan tâm, kịp thời tổng hợp, phân loại ý kiến gửi UBND tỉnh trả lời, giải quyết.

Thường trực HĐND tỉnh chủ động tham gia tiếp công dân định kỳ hằng tháng tại trụ sở tiếp công dân tỉnh; giám sát chặt chẽ tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân; tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Qua đó, tiếp tục củng cố và tăng cường niềm tin của cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, tạo tiền đề vững chắc để tỉnh bứt phá và phát triển.

Bên cạnh đó, căn cứ vào đề nghị của Ủy ban MTTQ, các Ban HĐND tỉnh và ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh xây dựng dự thảo chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2024 trình HĐND tỉnh tại kỳ họp giữa năm 2023.

Căn cứ vào chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hoạt động giám sát theo chức năng, nhiệm vụ và báo cáo kết quả theo quy định.

Các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm; tích cực, chủ động nghiên cứu và đề xuất cơ chế, chính sách; nâng cao kỹ năng giám sát, tiến hành giám sát những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm, báo cáo kết quả với Thường trực HĐND, HĐND tỉnh.

Đối với Thường trực, các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh cần nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức giám sát; tiếp tục đổi mới phương thức giám sát; thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; kết hợp giám sát qua xem xét báo cáo của cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát với khảo sát thực tế để đảm bảo kết quả giám sát phải hiệu quả.

Lãnh đạo các cơ quan chịu sự giám sát phải thực hiện nghiêm kế hoạch giám sát của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, tiếp thu thực hiện các kiến nghị.

Chú trọng tính khả thi, công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá, tổng hợp việc thực hiện kiến nghị sau giám sát. Phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và tạo mọi điều kiện để hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND được tiến hành thuận lợi, có hiệu quả; thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát, báo cáo cơ quan giám sát.

Tăng cường thông tin phục vụ hoạt động giám sát. Tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ các cấp, các phương tiện thông tin đại chúng, sự tham gia của cơ quan kiểm toán, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các đối tượng chịu tác động của chính sách, pháp luật đối với hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh…

Bài, ảnh: Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96062//hieu-qua-tu-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-giam-sat-o-hdnd-tinh