Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách
Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến 31-7, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách, tăng 6 chương trình so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, với tổng dư nợ đạt trên 2.613 tỷ đồng, với 95.750 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, tăng trưởng tín dụng là 981,3 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 9,93%, đã có 147.573 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ năm 2014 đến nay, vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 54.000 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh cuối năm 2018 theo chuẩn nghèo đa chiều là 15,38%.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, anh Vũ Đức Anh, thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương)vay 200 triệu đồng đầu tư trang trại chăn nuôi gia cầm.
Đến ngày 31-7-2019, ngân sách địa phương đã chuyển sang cho Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền là 37,6 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, ngân sách tỉnh chuyển sang là 15 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện 12,6 tỷ đồng. Nguồn vốn đã giúp cho 54.352 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất; 1.916 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 7.207 lao động được tạo việc làm mới…
Anh Vũ Đức Anh, thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Dương cho vay 200 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm. Cùng với nguồn vốn của gia đình, anh đầu tư mở trang trại chăn nuôi gà, cung ứng gia cầm và cải tạo ao thả cá, thu lãi 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Còn đối với bà Vũ Thị Hồng, thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình (Lâm Bình) từ nguồn vốn 50 triệu đồng vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội gia đình bà đã đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi lợn nuôi trâu vỗ béo, làm dịch vụ xay xát, và mua máy làm bún. Mô hình tổng hợp của gia đình bà cho thu lãi gần 100 triệu đồng/năm. Hiện gia đình bà đã thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập khá trong thôn.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình cho biết: Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác điều tra, rà soát, xác định hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để giải quyết kịp thời nhu cầu vay vốn. Đến 31-7, tổng dư nợ toàn huyện đạt 272,5 tỷ đồng với 6.141 lượt hộ được vay vốn. Trong đó, hộ nghèo 128,8 tỷ đồng với 3.297 lượt hộ vay; hộ cận nghèo 39,34 tỷ với 983 lượt hộ vay; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt 19,82 tỷ với 1.689 lượt hộ vay…
Sự phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, nhất là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Tỉnh đoàn nhận ủy thác được thực hiện hiệu quả. Anh Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn, công nhân, đô thị, Tỉnh đoàn cho biết, tính đến hết tháng 7-2019, tổng dư nợ ủy thác vốn vay thông qua Tỉnh đoàn quản lý là 495 tỷ đồng với 487 tổ tiết kiệm vay vốn và 14.870 hộ vay. Ngoài ra, Tỉnh đoàn được Ban Bí thư Trung ương Đoàn ủy thác vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (nguồn vốn 120) 2,4 tỷ đồng, với tổng số 28 dự án tập trung ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới.
Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương dành một phần nguồn vốn ngân sách chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.