Hiệu quả từ những cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp
Quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã và đang góp phần không nhỏ vào việc thay đổi toàn diện cả về lượng và chất trong lộ trình phát triển nông nghiệp của tỉnh, giai đoạn 2016-2020.
Vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao tại xã Thiệu Long (Thiệu Hóa).
Một trong những cơ chế, chính sách được ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đánh giá cao về hiệu quả thực hiện trong giai đoạn qua, là nhóm cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gồm 7 chính sách: hỗ trợ xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi; hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn tập trung; hỗ trợ mua máy thu hoạch mía và hệ thống tưới mía mặt ruộng; hỗ trợ phát triển rừng luồng thâm canh; hỗ trợ sản xuất tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt và hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp.
Triển khai các cơ chế, chính sách này, thời gian qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã tạo điều kiện về tích tụ, tập trung đất đai; thủ tục thuê, đấu thầu đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời, tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ, tổ chức thẩm định và quyết định chi trả tiền ngân sách hỗ trợ theo đúng đối tượng, điều kiện, nội dung, mức hỗ trợ theo đúng quy định. Kết thúc giai đoạn thực hiện, ngân sách tỉnh đã giao hơn 530 tỷ đồng để các địa phương triển khai thực hiện. Trên cơ sở nguồn ngân sách được giao, các địa phương đã thực hiện, giải ngân được hơn 431 tỷ đồng, đạt 78,45% kế hoạch.
Thông qua thực hiện nhóm cơ chế, chính sách khuyến khích tái cơ cấu ngành nông nghiệp, toàn tỉnh đã xây dựng được nhiều vùng thâm canh lúa tại các xã miền núi, với tổng diện tích lúa thâm canh được hỗ trợ là 8.563 ha. Hỗ trợ sản xuất 244,5 ha rau an toàn tập trung chuyên canh, hỗ trợ xây dựng 661.653m2 nhà lưới phục vụ sản xuất rau an toàn; hỗ trợ kinh phí cho 72 cửa hàng kinh doanh, tiêu thụ rau an toàn và duy trì kiểm soát chất lượng, dán tem hàng năm cho sản phẩm của 383,5 ha sản xuất rau an toàn. Hỗ trợ mua 8 máy thu hoạch mía và xây dựng hệ thống mía tưới mặt ruộng, bảo đảm tưới cho 1.242 ha mía thâm canh, góp phần tăng năng suất của một số vùng trồng mía nguyên liệu lên 75 đến 80 tấn/ha. Hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho 34 khu trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn... liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt cho 17.135 ha cây trồng được sản xuất theo hợp đồng kinh tế...
Cùng với các cơ chế, chính sách khuyến khích tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 cũng được thực hiện có hiệu quả. Với gần 73,4 tỷ đồng được giải ngân, đạt 95,9% kế hoạch, những năm qua, các địa phương, đơn vị đã hỗ trợ nghiên cứu, chọn tạo 9 giống cây trồng mới, các giống này đều có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất tại Thanh Hóa. Hỗ trợ sản xuất 1.546 ha giống lúa lai F1 và 6.262 ha giống lúa thuần chất lượng; du nhập, khảo nghiệm 6 giống mía mới có năng suất, chữ đường cao, sản xuất 11,8 triệu cây giống mía bằng phương pháp nuôi cấy mô, giúp nông dân đưa nhanh giống mía mới vào sản xuất, cho năng suất tăng so với bình quân chung của toàn tỉnh từ 20 - 25 tấn/ha. Hàng năm, hỗ trợ nuôi giữ đàn giống 1.800 - 2.000 con lợn nái ngoại sinh sản cấp ông, bà, cung cấp khoảng 10.000 lợn cái hậu bị bố mẹ...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá: Hầu hết các cơ chế, chính sách đều được các địa phương, doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ, triển khai thực hiện tích cực, có hiệu quả, góp phần tích tụ, tập trung đất đai, phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng quy mô lớn, tập trung; khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động được nguồn giống tốt. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách, ngoài nguồn vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, đã huy động được các nguồn vốn khác để phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế...
Để tiếp tục tạo động lực phát triển nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng dự thảo đề án sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách cũ đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành thêm một số cơ chế, chính sách mới, bảo đảm sự phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tiễn sản xuất của địa phương.