Hiệu quả từ những mô hình kinh tế tập thể
Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn TP.Quảng Ngãi đang hoạt động khá hiệu quả và góp phần tích cực trong tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
Thu nhập khá
Hằng ngày, vào lúc 7 giờ sáng, các thành viên của HTX Bốc xếp và Bảo vệ môi trường, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi), lại tập trung về khuôn viên Nhà máy Bia Dung Quất, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), để bắt đầu một ngày làm việc mới.
Vừa xếp bia vào thùng xe tải, anh Nguyễn Tấn Dũng, ở phường Nghĩa Lộ, thành viên của HTX cho biết, phần lớn các khâu nặng nhọc như vận chuyển bia từ trong kho ra sân bãi, bốc xếp bia từ sân bãi lên xe, nhà máy đều đảm nhận và có máy móc hỗ trợ. Chúng tôi chỉ thực hiện phần việc bố trí, sắp xếp bia ngay ngắn vào thùng xe tải, hoặc chuyển vỏ bia từ xe xuống sân bãi. Công việc này không quá nặng so với sức đàn ông, song thao tác đòi hỏi phải nhanh, gọn để đáp ứng tiến độ công việc.
Khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng
Từ hiệu quả bước đầu của mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi đang tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng phù hợp với địa phương, trên cơ sở phát huy tiềm năng khu vực bãi biển Mỹ Khê (Tịnh Khê), bãi biển Tân An (Nghĩa An) và khu vực ven sông Trà Khúc. Với sự gợi mở, khuyến khích của địa phương, tại xã Nghĩa An, HTX Du lịch cộng đồng làng chài Nghĩa An cũng chính thức ra mắt vào tháng 9/2024.
Từng là một thợ sắt lành nghề, anh Nguyễn Tấn Đạt, ở phường Quảng Phú, quyết định từ bỏ công việc đang làm để gia nhập HTX. Đến nay, anh Đạt đã gắn bó với HTX tròn 6 năm và được đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN. “Nghề sắt cũng có đồng ra đồng vào, nhưng khá bấp bênh. Hễ tháng nào mà chủ tiệm không kiếm được đơn hàng, là tôi không có thu nhập. Còn kể từ khi làm việc tại HTX đến nay, thu nhập của tôi ổn định từ 8 - 9 triệu đồng mỗi tháng. Nếu tăng ca, thì tiền lương tăng thêm khoảng 2 - 3 triệu đồng”, anh Đạt chia sẻ.
Tròn 9 năm kể từ khi thành lập, HTX Bốc xếp và Bảo vệ môi trường tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho hơn 20 lao động. Trong đó, phần lớn các lao động đều là người dân địa phương. Ngoài những lao động nam đảm nhận công việc bốc xếp hàng hóa, HTX còn có 2 lao động nữ chuyên vệ sinh các công trình, nhà xưởng. Doanh thu bình quân mỗi năm của HTX đạt hơn 2 tỷ đồng.
“Khi hoạt động riêng lẻ, những người làm nghề bốc vác vừa phải tốn rất nhiều sức vóc, vừa phải chịu sự cạnh tranh lớn, khó tìm được đầu mối công việc. Còn khi tham gia HTX, những khó khăn trên đã được giải quyết. Chúng tôi hợp đồng bốc vác với nhà máy bia theo năm, rồi chia lao động theo từng nhóm để dễ phân công trong công việc. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở nhau làm việc chuyên nghiệp, chất lượng để tăng sức cạnh tranh và luôn giữ chân được lao động”, Giám đốc HTX Bốc xếp và Bảo vệ môi trường Phạm Hữu Thiện cho biết.
Mở ra cơ hội việc làm cho người dân
Đi vào hoạt động chưa đầy 2 năm, HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê, ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), đã nhanh chóng phát huy vai trò của mình trong kết nối, tạo việc làm cho người dân địa phương.
“Năm nay, số lượng du khách đến tham quan rừng dừa nước tăng vọt. Tham gia cùng HTX, tôi vừa có thu nhập bình quân từ 100 - 120 nghìn đồng/chuyến, vừa được HTX trang bị áo phao cho cả tôi và khách để đảm bảo an toàn khi chèo ghe trên sông”, chị Phạm Thị Khoán, ở xã Tịnh Khê chia sẻ.
Chị Khoán là 1 trong 13 hộ dân liên kết với HTX để chèo ghe đưa du khách đi tham quan rừng dừa nước Tịnh Khê. Đây đều là các hộ dân quanh năm gắn bó với ngư nghiệp, nên rất dày dạn kinh nghiệm chèo ghe. Tham gia liên kết cùng HTX đã giúp các hộ này có thêm nguồn thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng.
Lúc mới đi vào hoạt động, HTX chỉ có 17 thành viên tham gia. Đến nay, tổng số thành viên của HTX đã tăng lên gần gấp 3 lần. Từ đầu năm 2024 đến nay, HTX đã đón tiếp hơn 10 nghìn lượt du khách. Sự ra đời và phát triển của HTX không chỉ tạo việc làm và thu nhập cho các thành viên mà còn là nền tảng, động lực thúc đẩy du lịch cộng đồng của địa phương phát triển.
“Nếu như năm 2023, toàn xã chỉ có 10 hộ dân tham gia chèo ghe đưa đón du khách đi tham quan, thì đến nay, con số này đã lên 45 hộ. Trong đó, có 13 hộ liên kết với HTX, còn lại, các hộ tự kết nối, đưa đón du khách đi tham quan. Du lịch cộng đồng thành công khi người dân làm chủ được mô hình. Vì vậy, HTX đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tập huấn cho người dân cách làm du lịch cộng đồng và cùng người dân khôi phục một số nghề truyền thống để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách”, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê Nguyễn Văn Dũng cho biết.