Hiệu quả từ những 'nhà máy hậu cần' trên đất Tây Nguyên
Đẩy mạnh tăng gia sản xuất (TGSX), xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả các cơ sở chế biến thực phẩm, thực hành tiết kiệm, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho bộ đội là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Quân đoàn 3 triển khai đồng bộ, tích cực và đem lại những kết quả thiết thực...
Xây dựng những mô hình sản xuất hiệu quả
Thiếu tướng Bùi Huy Biết, Chính ủy Quân đoàn 3 nhấn mạnh: “Xác định xây dựng cơ quan hậu cần vững mạnh toàn diện (VMTD) là một trong những điều kiện quan trọng, bảo đảm cho đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ, xây dựng đơn vị vững mạnh. Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các đơn vị cơ sở thực hiện đồng bộ các tiêu chí của ngành hậu cần. Cùng với việc quản lý, khai thác, sử dụng tốt phương tiện, vật chất trang bị và nguồn ngân sách bảo đảm thì công tác TGSX được xác định là then chốt. Quân đoàn phấn đấu tự túc đủ nhu cầu rau xanh, thịt, cá, đậu phụ, nước mắm; thực hiện “3 không” (không mua gạo, rau; không mua nước mắm; không mua đậu phụ ngoài thị trường), “3 xanh” (xanh vườn, xanh giàn, xanh trong kho); sử dụng các trang bị, phương tiện đúng mục đích, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tham nhũng”.
Đóng quân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, thực phẩm khai thác tại chỗ khan hiếm, giá cao nên việc bảo đảm thực phẩm phục vụ bữa ăn bộ đội gặp nhiều khó khăn. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, ngoài đẩy mạnh tăng gia theo mô hình trang trại tập trung, giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến món ăn tập trung, Cục Hậu cần Quân đoàn 3 còn đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động những “nhà máy hậu cần” có hiệu quả, như: Nhà máy sản xuất thịt hộp, nước mắm, xay xát lúa gạo tập trung... Đây được coi là nét mới, mang tính đột phá, phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện đơn vị, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng bữa ăn hằng ngày và sức khỏe cho bộ đội.
Theo Đại tá Trần Văn Minh, Cục trưởng cục Hậu cần Quân đoàn 3, thời gian qua, công tác TGSX của quân đoàn có sự phát triển toàn diện, đồng đều ở cả 3 cấp, theo hướng tập trung, khép kín, bền vững, với mô hình “5 cơ bản” (vườn, ao, chuồng, giàn, trạm chế biến). Đến nay, các đơn vị đã bảo đảm 100% rau xanh, thịt gia súc, gia cầm, trứng và cá theo tiêu chuẩn. Việc bảo đảm chế độ ăn uống cho bộ đội hằng ngày luôn được cấp ủy, chỉ huy các cấp ở quân đoàn quan tâm, nhất là quản lý chặt chẽ tiền ăn của bộ đội, giá cả, chất lượng, vệ sinh an toàn lương thực, thực phẩm. Quân đoàn đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm dây chuyền sản xuất thịt hộp, nước mắm, xay xát lúa gạo… nhằm nâng cao chất lượng phục vụ bộ đội. Đây là những mô hình sản xuất tập trung, có tính định hướng đúng, mang lại hiệu quả cao, giá rẻ hơn ngoài thị trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần giữ ổn định và cải thiện đời sống bộ đội.
Xuất phát từ tình hình nhiệm vụ và đời sống sinh hoạt của bộ đội, từ đầu năm 2019 đến nay, Quân đoàn 3 đã thí điểm thực hiện mô hình sản xuất tập trung cấp trung đoàn, lữ đoàn, bỏ cấp tiểu đoàn, đại đội để bộ đội có thời gian tham gia các hoạt động khác, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Vườn tăng gia của Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320), Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10), Lữ đoàn Pháo binh 40, Lữ đoàn Công binh 7… được bố trí khoa học, từ khu chăn nuôi đến khu trồng các loại rau, củ, quả theo từng mùa. Xanh tốt và hiệu quả đến vậy, nhưng ít ai biết, để có được vườn rau đó, cán bộ chiến sĩ đơn vị phải đổ biết bao mồ hôi, công sức, từ san đất, bạt đồi, đến “thay đất”, ủ phân là cả một công đoạn dài khó khăn, vất vả. Tận dụng thời gian, bộ đội tranh thủ lấy đất phù sa ở gần sông suối đem về đổ lên đất nền, sau thời gian ủ phân rồi trộn, phơi đất, sau đó mới tổ chức trồng rau, nuôi heo, nuôi gà… Để sản phẩm làm ra đến với bữa ăn bộ đội, sạch, ngon, chất lượng, quân đoàn đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp 15 trạm chế biến. Hệ thống nhà ăn, nhà bếp của các cơ quan, đơn vị được quy hoạch, đầu tư đổi mới trang, thiết bị theo hướng chính quy, thống nhất, đáp ứng yêu cầu tổ chức ăn uống tĩnh tại và dã ngoại, bảo đảm quân số khỏe hơn 98,9%. Thực hiện phương châm “ăn chất lượng, giá rẻ, hợp vệ sinh”, Cục Hậu cần quân đoàn tổ chức khảo sát “vùng nguyên liệu” và triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động hiệu quả nhà máy xay xát lúa gạo tập trung với công nghệ mới, hiện đại. Để có “đầu vào” thường xuyên, cán bộ Phòng Quân nhu đến những vùng chuyên canh cây lúa ở Đắc Lắc, đặt hàng, thu mua, sau đó chuyển về nhà máy để xay xát. Trung bình mỗi năm nhà máy này xay hơn 3.100 tấn lúa, tương đương khoảng 2.100 tấn gạo. Gạo làm ra bảo đảm chất lượng, giá rẻ hơn ngoài thị trường 10%, sản phẩm phụ thu lại, như: Cám, tấm được đầu tư để chăn nuôi heo, gà… Theo đó, bình quân mỗi năm, quân đoàn tiết kiệm khoảng 2,5 tỷ đồng tiền mua thức ăn để chăn nuôi.
Tìm hiểu thực tế tại cơ sở sản xuất thịt hộp của quân đoàn, chúng tôi được biết, hiệu quả của cơ sở này là vừa bảo đảm nguồn thịt hộp phục vụ bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, nhất là diễn tập dài ngày, vừa thu mua thịt từ nguồn nuôi của các đơn vị. Thịt nhập về được kiểm tra qua các công đoạn rất kỹ, sau đó phân lô, sơ chế ban đầu và tiến hành đưa vào sản xuất theo dây chuyền khép kín. Kết quả, sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, giá rẻ hơn thị trường hơn 10%. Từ năm 2018 đến nay, cơ sở đã sản xuất được hơn 52.000 hộp thịt các loại (khoảng 17 tấn thịt). Việc tổ chức sản xuất thành công thịt hộp giúp quân đoàn chủ động nguồn thực phẩm dự trữ, thuận tiện khi vận chuyển, cấp phát, bảo đảm phục vụ bữa ăn bộ đội khi dã ngoại, SSCĐ và dự phòng thực phẩm khi giá cả thị trường tăng cao, tận dụng được sản phẩm chăn nuôi, đồng thời khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh chăn nuôi. Bên cạnh đó, Quân đoàn 3 còn tổ chức sản xuất, chế biến đậu khuôn, hợp đồng thu mua cá tươi ở Quy Nhơn (Bình Định) để sản xuất nước mắm, đủ nhu cầu cho các đơn vị, bảo đảm đủ chất đạm, ngon, giá rẻ hơn thị trường 15.000/lít.
"Tiếng lành đồn xa", nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên đến học hỏi kinh nghiệm tại “nhà máy hậu cần” và mô hình sản xuất tập trung ở Quân đoàn 3 để vận dụng, làm theo.
Tiết kiệm gắn với chống lãng phí
Thực hiện tốt phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, bên cạnh việc đẩy mạnh TGSX với những mô hình mới, hiệu quả, cải thiện đời sống bộ đội, Quân đoàn 3 còn tập trung đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng trong mọi lĩnh vực hoạt động, mọi mặt công tác. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Đảng ủy Quân đoàn 3 vừa đưa vào nghị quyết lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, vừa bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý, sử dụng ngân sách, xăng dầu, điện, nước, doanh cụ; đẩy mạnh dân chủ, công khai các tiêu chuẩn, chế độ, kết hợp giao chỉ tiêu, định mức sử dụng cho từng nhiệm vụ, từng đầu mối đơn vị. Chọn cải cách hành chính, đổi mới phong cách, nâng cao năng lực công tác của đội ngũ cán bộ là khâu đột phá, coi đó là vấn đề có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của đơn vị... Quân đoàn luôn đề cao tính thiết thực, hiệu quả, tập trung giải quyết dứt điểm các khâu yếu, mặt yếu; gắn trách nhiệm cụ thể và động viên mọi cán bộ, chiến sĩ phát huy sáng kiến, cống hiến tài năng, thực hành tiết kiệm. Trên cơ sở nghị quyết lãnh đạo, các cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa thành các quy chế, quy định liên quan về TGSX gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng và duy trì thực hiện có hiệu quả. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, giữ tốt, dùng bền, chống lãng phí cho cán bộ, chiến sĩ và triển khai nhiều biện pháp để tiết kiệm ngân sách, vật tư, tài sản, thời gian, công sức bộ đội.
Với phương châm “Tiết kiệm phải đi liền với các giải pháp chống lãng phí, tham nhũng”, Đảng ủy Quân đoàn 3 đặc biệt coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chỉ huy các cấp nhất là ngành hậu cần tập trung kiểm tra, giám sát các mặt công tác có liên quan trực tiếp đến sử dụng, quản lý nhiều nguồn lực về vật chất, nhất là kinh phí, đầu tư xây dựng cơ bản... Trong đó, tập trung vào việc chấp hành đúng các nguyên tắc, chế độ, quy định về quản lý, sử dụng; thực hiện nghiêm túc các khâu, các bước, từ lập dự toán đến chi tiêu, thanh quyết toán… bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định và công khai, minh bạch.
Thực hiện tốt những nội dung trên, từ năm 2018 đến nay, ngành hậu cần Quân đoàn 3 đã tiết kiệm được hơn 15 tỷ đồng. Số tiền này được thêm vào tiền ăn cho bộ đội và đầu tư mua sắm trang bị, dụng cụ tái sản xuất. Kết quả thực hành tiết kiệm mà quân đoàn nói chung, Cục Hậu cần nói riêng đạt được không chỉ ở những con số, lớn hơn thế là thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí đã trở thành ý thức tự giác, hành động thường trực của mỗi cán bộ, chiến sĩ.