Hiệu quả từ những nỗ lực trong công tác truyền thông dân số

Từ đầu năm 2018, trên cơ sở những nghị quyết, chỉ thị, văn bản hướng dẫn về công tác dân số (DS) trong tình hình mới, ngành DS tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, toàn diện nhằm nâng cao chất lượng DS trên địa bàn. Trong đó có việc tăng cường truyền thông, vận động nâng cao nhận thức cho người dân về công tác DS trong tình hình mới đã và đang được các địa phương nỗ lực thực hiện.

Một buổi truyền thông chuyển đổi hành vi trong công tác dân số tại huyện Thanh Bình

Một buổi truyền thông chuyển đổi hành vi trong công tác dân số tại huyện Thanh Bình

Nỗ lực truyền thông chuyển đổi hành vi

Ông Lê Văn Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh cho biết: Xác định công tác truyền thông là khâu quan trọng quyết định thành bại của công tác DS, nhất là trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu công tác DS đã chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang DS và phát triển. Để công tác truyền thông hiệu quả, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tập trung tạo mọi điều kiện để nâng cao năng lực truyền thông cho đội ngũ làm công tác DS bằng hình thức tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn về nâng cao kỹ năng truyền thông, tư vấn, quản lý, kỹ thuật lấy máu sàng lọc trước sinh (SLTS) và sàng lọc sơ sinh (SLSS); kỹ thuật đặt dụng cụ tử cung và phòng, chống nhiễm khuẩn... cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến tỉnh, huyện, xã,...

Ngoài ra, đơn vị cũng đã biên soạn lại những nội dung tài liệu tuyên truyền phù hợp với tình hình mới. Điều chỉnh thiết kế lại nội dung tài liệu, tờ rơi, pa-nô, khẩu hiệu tuyên truyền về DS - Phát triển năm 2019; sức khỏe người cao tuổi; tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh; không lựa chọn giới tính thai nhi, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên,...

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ngoài các buổi truyền thông của ngành, các địa phương thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể, tổ chức các buổi truyền thông lồng ghép đưa dịch vụ KHHGĐ về cơ sở; truyền thông lưu động; xây dựng các pa-nô, khẩu hiệu; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh; báo chí; tuyên truyền tại hộ gia đình; tổ chức tọa đàm; đẩy mạnh hoạt động của các Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 trong các đoàn thể, Câu lạc bộ tiền hôn nhân ở các địa phương...

Đồng thời để công tác tuyên truyền, vận động lan tỏa có chiều sâu, các địa phương đã mở rộng đối tượng tuyên truyền. Nếu như trước đây chỉ hướng tới những người dân trong độ tuổi sinh đẻ thì hiện nay đã mở rộng tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, lứa tuổi như vị thành niên, người cao tuổi. Đặc biệt, đội ngũ nhân viên y tế thôn bản luôn xác định phương châm thực hiện “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, phổ biến.

Hiệu quả bước đầu

Từ những nỗ lực trong công tác truyền thông, công tác DS tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu. Một trong những kết quả đáng ghi nhận là ý thức về chăm sóc sức khỏe người mẹ và trẻ sơ sinh từng bước được nâng lên.

Chị Trần Kim Hường (24 tuổi, ngụ xã Mỹ Quí, huyện Tháp Mười) cho biết: “Em sinh bé đầu lòng ngày 8/8/2018, khi sinh ở bệnh viện, em được nhân viên bệnh viện tư vấn lấy máu gót chân cho bé để sàng lọc một số bệnh tật. Em đã đăng ký làm cho bé. Em nghĩ việc sàng lọc này rất cần thiết và hữu ích, nếu không may con mình mắc phải những bệnh đó thì sẽ kịp thời điều trị, đảm bảo cho sự phát triển sau này của con. Qua kết quả sàng lọc, con em khỏe mạnh, em rất mừng”.

Từ sự chuyển biến đó, kết quả SLTS và SLSS của tỉnh năm 2018 đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Cụ thể, SLTS đạt gần 61% (đạt hơn 150% chỉ tiêu kế hoạch); SLSS đạt hơn 57% (đạt hơn 100% kế hoạch).

Bên cạnh đó, tốc độ tăng giới tính khi sinh cũng giảm đáng kể. Tỷ số giới tính khi sinh là hơn 101 bé trai/100 bé gái (giảm 0,92 bé trai/100 bé gái so với năm 2017). Tốc độ tăng giới tính khi sinh giảm hơn 0,9%, đạt 225% kế hoạch. Người dân hầu như không có tư tưởng chấm dứt thai kỳ do lựa chọn giới tính. Đặc biệt, tỷ lệ sinh là con thứ 3 trở lên là 3,76% trên tổng số trẻ sinh, giảm 0,18% so với năm 2017, đạt 200% chỉ tiêu.

Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã ý thức được việc sinh nhiều con sẽ gặp khó khăn trong mọi việc, có những cặp vợ chồng trẻ chỉ muốn sinh 1 con để chăm sóc, nuôi dạy con tốt và thuận tiện trong sinh hoạt. Chị Trần Thị Tươi (xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh) cho biết: “Tôi mở tiệm làm tóc, chồng tôi thì lái xe cả tháng mới về nhà. Khi sinh con, tôi phải đóng cửa tiệm 2 năm để chăm con, nay bé được 3 tuổi đã gửi trường mẫu giáo, tôi mới mở tiệm làm lại. Giờ sinh nữa lại phải nghỉ làm rồi bao nhiêu chi phí phải lo nên tôi nghĩ sẽ dừng lại ở 1 con”.

Nói về công tác truyền thông trong thời gian tới, ông Hùng cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi, nhận thức về DS-KHHGĐ; tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, đẩy mạnh xã hội hóa công tác DS, trong đó chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới. Ngoài những yếu tố trên, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu của đề án DS, một trong những vấn đề quan trọng là phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động bộ máy làm công tác DS từ tỉnh đến cơ sở”.

BÍCH LIỄU

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/hieu-qua-tu-nhung-no-luc-trong-cong-tac-truyen-thong-dan-so-85383.aspx