Hiệu quả từ nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với xu hướng phát triển. Bên cạnh việc tạo ra nông sản an toàn, những mô hình này còn mang lại nguồn thu lớn cho nông dân.

Kiểm tra chất lượng rau thủy canh tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì). Ảnh: Bá Hoạt

Đến thăm mô hình trồng rau hữu cơ áp dụng công nghệ cao của bà Đặng Thị Cuối, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), cảm nhận đầu tiên của phóng viên Báo Hànôịmới là sự đầu tư bài bản từ nhà lưới, nhà kính đến cách thức chăm sóc. Theo bà Đặng Thị Cuối, gia đình bà đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng xây dựng 8.000m2 nhà màng, toàn bộ nguyên liệu đều nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc). “Hiện trên diện tích đất canh tác 5ha, chúng tôi trồng các loại rau xanh hữu cơ theo mùa, ngoài ra còn có một số loại rau đặc biệt như: Su hào ăn lá, bắp cải tí hon… bình quân một tháng thu hoạch 6-7 tấn rau sạch, giá trị đạt 6-7 tỷ đồng/ha/năm. Trước đó, cũng trên diện tích này, chúng tôi chỉ trồng lúa, hoa màu cho thu nhập 150-200 triệu đồng/ha/năm”, bà Cuối cho hay.

Rời huyện Đan Phượng, chúng tôi tới xã Yên Mỹ của huyện Thanh Trì để thăm mô hình trồng rau thủy canh. Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát cho biết, được sự giúp đỡ của huyện, hợp tác xã đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất để triển khai nuôi trồng 2.600m2 rau thủy canh theo công nghệ của Israel. Hiện nay, sản phẩm rau của hợp tác xã cung cấp cho các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn huyện, mỗi năm cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng - cao gấp 10 lần so với trồng lúa…

Về hiệu quả của ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho rằng, dù diện tích sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao không nhiều, song giá trị mang lại cho người dân rất lớn. Vì vậy, thời gian tới, huyện tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, người dân vốn đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới, mở rộng các mô hình trồng rau thủy canh (ở xã Yên Mỹ) hay mô hình nuôi “cá trong sông” (xã Đại Áng)...

Toàn thành phố hiện có 164 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có 109 mô hình trồng trọt, 40 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội quy mô tuy nhỏ nhưng đã tạo ra hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nông nghiệp đại trà khoảng 20-30%. Đặc biệt, những mô hình này phù hợp với thực tế đất đai của Hà Nội và đang khẳng định vị thế trong điều kiện hiện nay.

“Để tiếp tục mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tham mưu thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã, cá nhân đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Sở cũng hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển thêm nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0; đồng thời, hướng tới xuất khẩu để tạo giá trị cao hơn nữa”, ông Chu Phú Mỹ cho biết thêm.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/958143/hieu-qua-tu-nong-nghiep-cong-nghe-cao