Hiệu quả từ nuôi trồng thủy sản công nghệ cao
Những năm gần đây, nhờ quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tập trung cùng với đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, huyện Thanh Oai ngày càng xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao cho thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm.
Trang trại nuôi cá, kết hợp nuôi vịt quy mô gần 10ha của hộ anh Lê Văn Trẻo, ở thôn Châu Mai, xã Liên Châu là một trong những trang trại điển hình của Thanh Oai về ứng dụng công nghệ cao trong NTTS. Anh Trẻo chia sẻ, trang trại được xây dựng và vận hành bài bản từ việc đầu tư công nghệ chăn nuôi khép kín đến lắp đặt hệ thống máy sục oxy, máy trộn thức ăn, sử dụng các loại chế phẩm sinh học xử lý chuồng trại, môi trường ao nuôi. Hiện, mỗi năm gia đình anh Trẻo xuất bán ra thị trường hơn 4 triệu quả trứng vịt và gần 100 tấn cá các loại, trừ các khoản chi phí, anh Trẻo thu lãi hơn 700 triệu đồng.
Không chỉ hộ anh Trẻo mà nhiều hộ NTTS trên địa bàn huyện Thanh Oai đã mạnh dạn đầu tư các loại máy móc, thiết bị hiện đại như: Hệ thống quạt nước, sục khí, máy cho ăn tự động... nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Cùng với việc áp dụng kỹ thuật thâm canh tiên tiến, các hộ nuôi NTTS đã chuyển sang phương pháp nuôi trồng theo quy trình VietGAP, an toàn sinh học nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, nhờ tích cực chuyển đổi theo đúng quy hoạch, đến nay, Thanh Oai đã xây dựng được vùng NTTS tập trung hơn 720ha. Trong đó, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đang phát huy hiệu quả như: Nuôi cá trắm, cá chép lai theo công nghệ vi sinh không thay nước tại các xã Thanh Mai, Tân Ước, Liên Châu; nuôi cá chép theo hướng hữu cơ ở xã Hồng Dương; nuôi cá rô phi đồng nguồn gốc Philippines ở xã Thanh Thùy... Các mô hình này cho giá trị thu nhập trung bình từ 300 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/năm. Hiệu quả kinh tế từ các mô hình đã giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu và góp phần xây dựng nông thôn mới địa phương.Nhằm tiếp tục nhân rộng các mô hình NTTS ứng dụng công nghệ cao, huyện căn cứ vào quy hoạch cụ thể từng vùng để xây dựng các mô hình. Đặc biệt, huyện tiếp tục chuyển đổi vùng trũng sang NTTS theo quy trình VietGAP, an toàn sinh học. Mặt khác, để tạo tiền đề cho các vùng NTTS phát triển bền vững, Thanh Oai tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, dành quỹ đất xây các nhà máy sơ chế/chế biến nông sản.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hieu-qua-tu-nuoi-trong-thuy-san-cong-nghe-cao-396707.html