Hiệu quả từ phong trào Kaizen
Nhằm giảm chi phí, công lao động, đồng thời nâng cao hiệu suất công việc, thời gian qua, Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công (T.P Sông Công) đã đẩy mạnh phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật (gọi tắt là Kaizen) trong đơn vị. Phong trào nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các kỹ sư, công nhân tại đơn vị, với nhiều sáng kiến hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Thực, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công cho biết: Là đơn vị chuyên sản xuất, gia công các chi tiết máy, động cơ…, Công ty hiện đang tạo việc làm cho 830 cán bộ, công nhân viên và người lao động với thu nhập trung bình trên 11 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh chú trọng nâng cấp hệ thống máy móc, thiết bị, đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động, chúng tôi luôn khuyến khích, động viên công nhân, kỹ sư làm việc tại các xưởng sản xuất, tích cực đưa ra những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
Để phong trào Kaizen được triển khai hiệu quả, Công ty đã thành lập Ban Kaizen (gồm 7 thành viên do đồng chí Phó Giám đốc làm Trưởng ban). Ban có nhiệm vụ họp bàn, xem xét, thẩm định và đánh giá các ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của người lao động. Từ đó, lựa chọn những ý tưởng có khả năng phát triển, khuyến khích người lao động nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện sáng kiến. Hàng năm, Công ty cũng đưa ra mức thưởng phù hợp để khuyến khích người lao động tham gia phong trào Kaizen.
Anh Phạm Thanh Quyết, kỹ sư xưởng Rèn 2 chia sẻ: Bản thân tôi thấy Kaizen là một phong trào ý nghĩa và rất hào hứng khi cùng các anh em trong xưởng tham gia nhằm khắc phục những tồn tại trong dây chuyền sản xuất, năng cao năng suất lao động. Trong các sáng kiến, tôi tâm huyết nhất với việc nghiên cứu cải tiến khuôn D43 (chuyên dùng để sản xuất chi tiết xe máy Honda). Trước đây, để sản xuất chi tiết này phải sử dụng cả khuôn D43 và D51. Trong khi phần kích thước lắp ghép với áo khuôn của 2 loại khuôn này cơ bản giống nhau, chỉ khác biệt ở chiều cao và đường kính trong lòng khuôn. Vấn đề đặt ra là nếu thay đổi kích thước của khuôn D43 ngay từ đầu thì sau khi dập lần 1 sẽ tận dụng được khuôn đó để gia công sang khuôn D51. Vì thế, tôi đã nghiên cứu, thay đổi thiết kế bằng cách tăng chiều cao của khuôn D43 lên 15mm nhưng vẫn đảm bảo phù hợp tính chất công nghệ và quy trình, thao tác của người đứng máy. Nhờ đó, có thể tiết kiệm chi phí được 1 lần vật liệu. Theo tính toán, việc cải tiến này đã tiết kiệm chi phí trong sản xuất cho đơn vị khoảng 400 triệu đồng/năm.
Còn đối với anh Nguyễn Thanh, một trong những “cây sáng kiến” xưởng Cơ khí 2, trong số những Kaizen đã thực hiện, đề tài mà anh tâm đắc nhất đó là thay đổi quy trình công nghệ tiện piston từ 3 nguyên công về 2 nguyên công. Anh Thanh giải thích: Piston 623 là sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ nên có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và tiến độ. Chính vì thế, tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm là việc làm rất cần thiết. Trước đây, quá trình gia công piston 623 bằng 3 nguyên công có nhược điểm là tỷ lệ phế phẩm cao do nhiều lần gá đặt, thời gian gá lắp lâu, độ đảo của sản phẩm không ổn định… Sau một thời gian xem xét điều kiện làm việc của thiết bị, cùng với nghiên cứu bản vẽ, chúng tôi đã tiến hành lập lại quy trình công nghệ gia công piston 623 từ 3 nguyên công về 2 nguyên công, cân đối thời gian gia công giữa các nguyên công sao cho phù hợp để dây chuyền chạy liên tục. Nhờ vậy, thời gian gia công piston đã được rút ngắn, chất lượng sản phẩm (đặc biệt là độ đảo), năng suất lao động được nâng cao. Sáng kiến này đã làm lợi cho Công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm (tùy thuộc vào sản lượng sản phẩm).
Anh Quyết, anh Thanh chỉ là 2 trong số nhiều kỹ sư, công nhân có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hữu ích, đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất của Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công. Ở Công ty, những ý tưởng thay đổi quy trình công nghệ dù là nhỏ nhất cũng luôn được đơn vị ghi nhận, đánh giá cao. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Công ty đã có gần 400 sáng kiến được các kỹ sư, công nhân nghiên cứu thành công và được áp dụng vào sản xuất, làm lợi về kinh tế trên 2 tỷ đồng. Từ đó, góp phần giảm chi phí, công lao động, đồng thời hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, góp phần đưa doanh thu của đơn vị năm sau luôn cao hơn năm trước từ 10-15%, đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động…