Hiệu quả từ phong trào thi đua 'Dân vận khéo'
Ngày 26/2/2009, Ban Dân vận Trung ương ban hành Kế hoạch số 70 về tổ chức phong trào thi đua 'Dân vận khéo'. Qua 10 năm triển khai thực hiện, phong trào đã khẳng định được sức lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Sau khi Ban Dân vận Trung ương ban hành Kế hoạch về “Dân vận khéo”, Huyện ủy Mường Khương đã xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao năng lực, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác vận động quần chúng giai đoạn 2011 - 2015”. Tiếp đó là các văn bản về đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại các cấp, các ngành, đơn vị trên địa bàn. Ông Hoàng Văn Tuyên, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Mường Khương cho biết; Toàn huyện có 44 cơ quan, đơn vị đăng ký thực hiện với 150 mô hình điểm tại 157/157 thôn, tổ dân phố của 16 xã, thị trấn trong toàn huyện. Nội dung dân vận khá đa dạng, phổ biến là vận động chung sức xây dựng nông thôn mới, cải tạo tập tục lạc hậu, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân.
Để nâng cao hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Dân vận Huyện ủy Mường Khương đã đề cao việc xây dựng các mô hình điểm. Ví dụ như đối với phát triển kinh tế, năm 2009, toàn huyện có 6 mô hình, đến nay đã có 36 mô hình. Nổi bật là những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao trên cây ngô, lúa, dứa, chè, chuối mô; mô hình “Dân vận khéo” về chăn nuôi, phát triển thủy sản, xây dựng nông thôn mới. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội có các mô hình về “Xây dựng nếp sống văn hóa”, mô hình “Dòng họ không có tảo hôn”, mô hình “Cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu”, mô hình “Không cưới tảo hôn, không sinh con thứ 3”, mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”; trong giáo dục là “Xây dựng nhà trường cảnh quan, trường lớp, xanh - sạch - đẹp, an toàn thân thiện”...
Tại huyện Bảo Thắng, sau 10 năm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã xây dựng được 457 mô hình dân vận. Bà Nông Thị Nhi, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Thắng khẳng định: Phong trào đã góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân, chuyển trạng thái từ thụ động sang chủ động lựa chọn nội dung đăng ký và tổ chức thực hiện. Kinh nghiệm của huyện Bảo Thắng là lựa chọn các mô hình cụ thể làm chất liệu, hình ảnh sinh động cho tuyên truyền, triển khai “dân vận khéo”.
Điển hình trong lĩnh vực phát triển kinh tế có mô hình nuôi lợn, gà, dê, cá của ông Triệu Văn Nhúng, ở thôn Cốc Toòng, xã Phong Niên cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng; mô hình sản xuất của gia đình ông Trần Hải Đường ở thôn Bến Đền và hộ ông Thiều Văn Đô ở thôn 6, xã Gia Phú; hộ ông Đinh Văn Hùng, ở thôn Cốc Sâm 1, xã Phong Niên; hộ ông Lê Minh Hằng, ở tổ dân phố số 2, thị trấn Tằng Loỏng... có thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng mỗi năm. Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều chi, đảng bộ đã vận dụng linh hoạt phương thức “dân vận khéo” để huy động các nguồn lực xã hội. Tại các xã: Phú Nhuận, Gia Phú, Xuân Quang, Phong Niên, thị trấn Tằng Loỏng… đã có hàng trăm hộ hiến hơn 500 nghìn m2 đất để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa...
Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” luôn được cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị quan tâm lãnh đạo, triển khai thực hiện và được nhân dân hưởng ứng. Phong trào đã tạo sự chuyển biến tích cực trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, từ phong trào đã huy động được nhiều nguồn lực và lực lượng tham gia công tác dân vận.
Phong trào xây dựng mô hình “Dân vận khéo” đạt được hiệu quả là nhờ các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị lựa chọn được những nội dung có tính trọng tâm, trọng điểm để tập trung triển khai. Ví dụ như đối với lĩnh vực phát triển kinh tế, các địa phương đã lấy mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững làm nội dung vận động xuyên suốt. Đối với văn hóa, xã hội là gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu”, “Phòng, chống thả rông gia súc”, “Khu dân cư nói không với tệ nạn xã hội”… Với nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị, phong trào thi đua “Dân vân khéo” có sự gắn kết với nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính, thực hành đạo đức công vụ, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân.
Thực hiện phong trào, các cấp, các ngành, đơn vị ngày càng quan tâm tới việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”. Giai đoạn 2010 đến 2015, toàn tỉnh có khoảng 3.000 mô hình, đến nay đã tăng lên 5.318 mô hình, trong đó có 1.640 mô hình (chiếm 30%) được công nhận là điển hình về “Dân vận khéo”. Điều đáng mừng hơn là phong trào tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.