Hiệu quả từ sản xuất vú sữa VietGAP

Với hơn 6 ha sản xuất vú sữa theo tiêu chuẩn VietGAP, Tổ Sản xuất vú sữa thuộc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Lợi A (xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã tạo đầu ra ổn định, giúp thành viên nâng cao thu nhập.

Xuất phát từ việc đầu ra cho nông sản bấp bênh, năng suất và chất lượng không cao, ông Lê Hồng Hải, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Lợi A đã tích cực mày mò, học hỏi kinh nghiệm về các quy trình sản xuất tiên tiến để áp dụng vào hoạt động sản xuất của HTX. Nhận thấy việc sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP có nhiều ưu điểm, ông Hải đã bắt tay vào áp dụng trên 1,5 ha vú sữa của gia đình.

Sau khi thực hiện thành công, ông cùng HTX đã thành lập Tổ Sản xuất vú sữa VietGAP để phổ biến, nhân rộng mô hình cho những thành viên trồng vú sữa trong HTX. Đến nay, Tổ Sản xuất vú sữa đã áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP được 2 năm.

Ông Nguyễn Văn Hiền (ấp Lợi Trinh) thuộc Tổ Sản xuất vú sữa VietGAP, chăm sóc vườn vú vữa bơ hồng của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Hiền (ấp Lợi Trinh) thuộc Tổ Sản xuất vú sữa VietGAP, chăm sóc vườn vú vữa bơ hồng của gia đình.

Gia đình ông Lê Hoàng Ngân (ấp Lợi Trinh, xã Mỹ Lợi A), thành viên Tổ Sản xuất vú sữa VietGAP có 5 công trồng vú sữa tím Bách Thảo. Vườn vú sữa của ông Ngân có hơn 60 cây trồng được 14 năm. Theo ông Ngân, trước đây việc trồng vú sữa khá bấp bênh do giá cả không ổn định. Khoảng 2 năm trước, được HTX hỗ trợ về kỹ thuật, ông bắt tay vào trồng vú sữa theo quy trình VietGAP.

Sản xuất vú sữa VietGAP ngoài việc góp phần bảo vệ môi trường do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn giảm chi phí đầu vào. “Vú sữa tím Bách Thảo cho năng suất cao hơn vú sữa Lò Rèn, bảo quản lâu hơn nên dễ vận chuyển đi xa. Do đó, tôi quyết định trồng giống này. Khi được giấy chứng nhận VietGAP, Tổ Sản xuất vú sữa đại diện đứng bán sản phẩm cho thành viên nên đầu ra ổn định, giá cao hơn giá bán trên thị trường khoảng 10.000 đến 15.000 đồng/kg”.

Có thể nói, để trái vú sữa đạt chất lượng tốt nhất, các thành viên trong Tổ Sản xuất vú sữa VietGAP đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Theo đó, nông dân sẽ tiến hành bao trái bằng 2 lớp từ nhỏ (khoảng 2 tháng trước thu hoạch) nên không bị sâu, ruồi gây hại. Tuy việc bao trái 2 lớp chi phí rất cao, nhưng bù lại giá bán cao, đầu ra ổn định. Sản xuất theo VietGAP, lợi nhuận tăng khoảng 30% so với sản xuất truyền thống, nhưng lợi nhất là bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Tổ Sản xuất vú sữa VietGAP hiện có 23 thành viên với 14,5 ha trồng các loại vú sữa như: Bơ hồng, tím Bách Thảo, Lò Rèn; trong đó có 7 thành viên trồng vú sữa tím Bách Thảo với 6 ha. Hiện HTX đang cung ứng vú sữa tím Bách Thảo cho các cửa hàng trái cây sạch tại TP. Hồ Chí Minh với hơn 10 cửa hàng, TP. Đà Nẵng,TP. Hà Nội, tỉnh Bình Định…

Ông Lê Hồng Hải cho biết: “Tổ Sản xuất vú sữa hiện đã được cấp tem truy xuất nguồn gốc đối với loại vú sữa tím Bách Thảo nên bước đầu đã xây dựng được thương hiệu. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu vú sữa tím Bách Thảo”. Cũng theo ông Hải, các loại vú sữa còn lại, Tổ Sản xuất vú sữa đã kết nối với các điểm thu mua để đưa vào phân phối ở những thị trường tương đối cao cấp nên giá bán cao hơn giá thị trường.

TRỌNG ĐẠT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202102/hieu-qua-tu-san-xuat-vu-sua-vietgap-919508/