Hiệu quả từ sự chuyển đổi

Thực tế hiện nay cho thấy, qua 2 vụ sản xuất, giá lúa trên đồng vẫn ở mức thấp, doanh thu không bù đắp nổi chi phí sản xuất. Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có thu nhập tốt hơn.

Từ rau màu…

Gia đình ông Trần Văn Hò (xã Long An, TX. Tân Châu) có 1ha đất sản xuất. Trong 2 vụ lúa vừa qua, trên ruộng đất nhà, ông gieo sạ giống lúa IR 50404. Nghĩ rằng năm nay tình hình xuất khẩu gạo vẫn như mọi năm, nghĩa là giống lúa IR 50404 sẽ được thương lái mua với giá từ 5.200 đồng/kg trở lên. Song, những dự đoán của ông đều không chính xác, cụ thể trong vụ đông xuân 2018-2019 vừa qua, ngay sau thời điểm Tết Nguyên đán, thương lái vào đồng ngã giá mua lúa IR 50404 với giá 4.600 đồng/kg. Bước qua vụ hè thu, thấy tình hình giá lúa không có triển vọng, ông quyết định chuyển 5 công đất sang trồng xoài, 2,5 công trồng bưởi da xanh và mít siêu sớm để xuất khẩu. Còn 2,5 công, ông Hò trồng rau màu để đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập cho gia đình. “Một vụ mùa kéo dài 3 tháng, mỗi công lúa lời 500.000 đồng thì xem như không hiệu quả. Đi tìm loại cây trồng nào đó cho hiệu quả cao hơn để đời sống được nâng lên” - ông Hò thông tin.

Để quá trình chuyển đổi thành công, ông Hò đã lặn lội lên Khánh Bình (An Phú), sang tận xã Kiến An (Chợ Mới), đến chợ đầu mối rau, củ, quả tại TP. Châu Đốc để tìm hiểu và đánh giá đầy đủ về tình hình thị trường đối với các mặt hàng rau, quả, nhất là đối với những loại được thương lái mua nhiều, giá cao. Sau thời gian tìm hiểu, thực hiện hợp đồng hợp tác với thương lái, ông Hò đã xuống giống trồng 3 công ớt và 2 công củ cải trắng. Vụ thu hoạch vừa qua, có thời điểm ớt lên giá đến 85.000 đồng/kg, riêng mỗi công ớt, ông Hò lãi trên 50 triệu đồng.

Việc chuyển đổi ra khỏi cây lúa đã giúp người nông dân trên địa bàn tỉnh năng động hơn, trồng được nhiều loại cây trồng khác để tăng thu nhập cho gia đình. Đi đầu trong vấn đề này, trước hết phải kể đến nông dân các địa phương: Chợ Mới, An Phú, Châu Phú và TX. Tân Châu. Tính đến thời điểm này, diện tích trồng rau màu các loại trên 35.000ha. Động thái này một phần làm giảm bớt áp lực cho cây lúa, một phần mang lại hiệu quả đáng kể cho những hộ nông dân năng động trong quá trình chuyển đổi cây trồng.

…đến cây ăn trái

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ cho biết, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã trồng 9.697ha xoài xuất khẩu, trong đó xoài 3 màu (xoài Đài Loan) và Cát Hòa Lộc khoảng 7.700ha, chiếm khoảng 80% diện tích trồng xoài. Diện tích xoài cho trái hiện nay khoảng 7.000ha, sản lượng ước khoảng 94.527 tấn. Toàn tỉnh hiện đã cấp được 18 mã số vùng trồng (code) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, với tổng diện tích 243,7ha. Ngoài cây xoài, các loại cây ăn trái khác đang phát triển mạnh như: bưởi da xanh, cam xoàn, quýt đường, cà na, mít siêu sớm…

Từ lâu ở ĐBSCL, trái cà na được xem là loại trái hoang dại, nay trái cà na trở thành đặc sản vùng, miền và được tiêu thụ rất mạnh tại các thị trường trong cả nước, đặc biệt là thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc. “Có lần đến huyện Tịnh Biên vào những năm nước lớn, trái cà na rớt dưới kênh, lượm mang về làm mứt, ăn rất ngon và mang ra chợ bán, nhiều người đến mua và đặt hàng nên từ đó mạnh dạn trồng 2ha cây cà na. Vào đầu vụ, trái cá na sống được thương lái tìm đến vườn thu mua với giá 22.000 đồng/kg, đem đến thu nhập khá cao mà đầu ra rất tốt” - chị Trần Thị Mỹ Lệ (xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú) chia sẻ.

Sự kiện nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Bến Bà Chi (xã Lê Trì, Tri Tôn) và nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình (An Phú) kết hợp Công ty xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (Bến Tre) xuất 1 tấn xoài cát Hòa Lộc bằng đường hàng không sang Hoa Kỳ tiêu thụ đã dấy lên phong trào trồng xoài xuất khẩu trên địa bàn tỉnh một cách mạnh mẽ. Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, phục vụ cho quá trình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái trên địa bàn các xã: Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa, Tân Thạnh (TX. Tân Châu). Công trình thủy lợi này sẽ phục vụ tưới tiêu cho 300ha đất trồng cây ăn trái của nông dân nơi đây.

Chuyển đổi ra khỏi cây lúa, nông dân trên địa bàn tỉnh đã năng động, sáng tạo tìm cho mình những loại cây trồng vừa có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nông dân.

“Bất cứ sản phẩm nào do nông dân sản xuất ra, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn là yếu tố then chốt, quyết định đến hiệu quả sản xuất. Khai thông vấn đề này bằng việc tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân; tiếp tục hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới” - Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Minh Hùng khẳng định.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/hieu-qua-tu-su-chuyen-doi-a251277.html