Hiệu quả từ thực tiễn

Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện vào cuộc sống, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đặt ra, tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Sơn đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với phương châm lấy kết quả thực tiễn là thước đo chuẩn mực nhất...Đến thời điểm này, Thanh Sơn đã có 7/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Dự án khu nhà ở đô thị tạo diện mạo đô thị mới ở Thanh Sơn

Thanh Sơn là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng do xuất phát điểm, khả năng huy động và tích lũy từ nội lực còn thấp trong khi nhu cầu đầu tư phát triển lớn khiến huyện chưa thể bứt phá. Từ thực tế tại địa phương, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thanh Sơn lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đưa ra mục tiêu “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững”.

Huyện xác định khâu đột phá là “Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút nguồn lực cho phát triển, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành, lĩnh vực, địa bàn có tiềm năng lợi thế”. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân; tích cực huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Qua đó, môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện, nhiều dự án đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân được phê duyệt, đang triển khai.

Nhờ xác định đúng khâu đột phá và ban hành đúng các nghị quyết chuyên đề sát với thực tế địa phương, sau 3 năm triển khai, các nghị quyết chuyên đề đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, không chỉ giúp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trước mắt tại địa phương mà còn tạo tiền đề quan trọng cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Đến nay Thanh Sơn đã có 7/15 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội; 8/15 chỉ tiêu đạt 60%, trong đó nhiều chỉ tiêu tiệm cận so với mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025.

Một số chỉ tiêu đạt cao như tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 đạt gần 5.300 tỷ đồng, đạt 60,65% mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025; thu nhập bình quân đầu người đạt 37,7 triệu đồng, đạt 94,25%; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt gần 220 tỷ đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra; giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 117,5 triệu đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết; tỷ lệ hộ nghèo còn 8,3%, vượt mục tiêu Nghị quyết...

Hiện toàn huyện có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 129 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với phát triển kinh tế, công tác giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động việc làm, giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, lễ hội truyền thống tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch ở Thanh Sơn có bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức góp phần nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương.

Cây gỗ lớn, lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, bưởi, chè, chuối phấn vàng, chăn nuôi bò, dê, lợn, gà phù hợp với lợi thế của địa phương được xác định là cây trồng, vật nuôi chủ lực, tập trung phát triển, mở rộng quy mô, diện tích gieo trồng. Lĩnh vực chăn nuôi được quan tâm phát triển, khuyến khích chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng, huyện triển khai nhiều giải pháp khuyến khích phát triển mở rộng diện tích trồng cây gỗ lớn. Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP luôn được quan tâm chỉ đạo.

Cây chè được huyện xác định là cây trồng chủ lực

Cây chè được huyện xác định là cây trồng chủ lực

Cơ giới hóa và chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được tăng cường; khuyến khích hình thành phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, đến nay, trên địa bàn huyện có 5 chuỗi liên kết, chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh trên địa bàn huyện liên kết với các chuỗi siêu thị trong và ngoài tỉnh. Các hình thức tổ chức sản xuất được quan tâm, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, phát triển trang trại, gia trại. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội đến năm 2023 ước đạt 55,0%...

Cùng với những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, huyện Thanh Sơn vẫn còn những hạn chế như: Kinh tế tăng trưởng chưa thực sự bền vững; huy động nguồn lực còn khó khăn; chất lượng một số lĩnh vực xã hội có mặt còn hạn chế...

Hệ thống giao thông nội đồng, giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng trên địa bàn xã nông thôn mới Địch Quả.

Hệ thống giao thông nội đồng, giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng trên địa bàn xã nông thôn mới Địch Quả.

Tập trung nguồn lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết đề ra, đồng chí Đặng Quang Huy, Bí thư Huyện ủy Thanh Sơn cho biết: “Trong thời gian tới, Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp phấn đấu đạt mức cao hơn nữa các chỉ tiêu đã đạt, sớm hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt. Trong đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, giao thông nông thôn và các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện vận động người dân ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chế biến, thực hiện dồn điền, đổi thửa hình thành vùng sản xuất chuyên canh. Tiếp tục khuyến khích hỗ trợ các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; đẩy nhanh tiến độ đưa cụm công nghiệp Thục Luyện, Thắng Sơn đi vào hoạt động, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phù hợp với ngành lĩnh vực đã được phê duyệt, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Cùng với đó, huyện duy trì phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản phi kim loại phục vụ nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn và xuất khẩu; tăng cường công tác quản lý đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn, nhất là công tác vệ sinh an toàn lao động, xử lý ô nhiễm môi trường, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật”.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/hieu-qua-tu-thuc-tien-216146.htm