Hiệu quả từ Tổ hội nghề nghiệp nuôi nhím và bò nhốt chuồng tại Đá Hàn
Với sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, nhiều hộ nông dân tại thôn Đá Hàn, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn đã liên kết thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi nhím và bò nhốt chuồng để cùng tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, đã giúp nhiều hộ nông dân tăng thu nhập, vươn lên trở thành hộ khá, xây dựng ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Những năm qua, người dân thôn Đá Hàn, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn đã tận dụng thế mạnh vườn đồi phát triển mạnh việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, gần đây diện tích đất vườn đồi được người dân chuyển sang trồng cây ăn quả, cây nguyên liệu nên việc chăn thả rông gặp khó khăn. Trước tình hình đó, Hội Nông dân xã Gia Hòa đã vận động hội viên chuyển đổi cách thức chăn nuôi từ chăn thả tự nhiên sang nuôi nhốt, đồng thời thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi nhím và bò nhốt chuồng để liên kết trong sản xuất.
Ông Đinh Văn Hồng, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp cho biết: Tổ hội nghề nghiệp nuôi nhím và bò nhốt chuồng được thành lập năm 2021 gồm 23 thành viên với mục đích đoàn kết, tập hợp các hội viên nông dân nuôi nhím và bò nhốt chuồng cùng nhau hỗ trợ, giúp đỡ trong phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập.
Tổ hội nghề nghiệp tổ chức họp định kỳ theo tháng để tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, định hướng ngành nghề của địa phương liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Tổ hội nghề nghiệp.
Đồng thời, cung cấp thông tin về thị trường, trao đổi các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, nguồn vốn và tiêu thụ sản phẩm. Nhằm tạo điều kiện cho các thành viên trong Tổ hội nghề nghiệp mở rộng sản xuất, các cấp Hội Nông dân đã quan tâm, hỗ trợ về vốn và tổ chức các lớp tập huấn dạy nghề nuôi bò, nuôi nhím....
Ông Đinh Văn Hồng thành công với mô hình nuôi nhím, mỗi năm xuất bán 130 con giống và 30 con nhím thịt.
Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, ngành và sự chủ động chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về con giống, kiến thức khoa học kỹ thuật, hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm, cùng nhau thống nhất giá bán nên vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, ít nhiễm bệnh, vấn đề tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Quy mô chuồng trại ngày càng phát triển, thu nhập của thành viên nâng cao.
Đến nay, Tổ hội nghề nghiệp đã phát triển lên gần 30 thành viên, tổng đàn nhím tăng lên 400 con và đàn bò gần 200 con. Mỗi năm Tổ hội nghề nghiệp xuất bán gần 17 tấn thịt và hơn 100 con bò giống và hàng nghìn con nhím giống; sau khi trừ chi phí thu lãi trên 1 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Lân, thành viên Tổ hội nghề nghiệp nuôi nhím và bò nhốt chuồng tại thôn Đá Hàn phấn khởi chia sẻ: Khi tham gia vào Tổ hội nghề nghiệp, tôi được hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và tìm được đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, gia đình tôi duy trì từ 10-15 con bò và mỗi năm xuất bán 10 con, có lãi từ 70-80 triệu đồng.
Cũng có kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi bò thương phẩm, anh Nguyễn Văn Thụ cho biết: Tham gia Tổ hội nghề nghiệp, định kỳ mỗi tháng các thành viên đã tổ chức gặp gỡ, trao đổi những thuận lợi, khó khăn trong việc chăm sóc, phòng chống một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi bò, nhím. Các thành viên còn được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ các cấp Hội Nông dân, được tạo điều kiện vay vốn từ các ngân hàng thương mại để mở rộng sản xuất. Đây là những sự hỗ trợ rất thiết thực và cần thiết để nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung.
Ông Đinh Văn Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Hòa đánh giá: Tổ hội nghề nghiệp nuôi nhím và bò nhốt chuồng tại thôn Đá Hàn đã và đang phát triển có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã.
Việc thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi nhím và bò nhốt chuồng không chỉ khẳng định tính năng động, sáng tạo của nông dân trong thời kỳ hội nhập mà còn tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục khảo sát, nắm bắt tình hình và nhu cầu tham gia của hội viên nông dân trên địa bàn để duy trì Tổ hội và nhân rộng mô hình, góp phần phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững.