Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
6 tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng với sự nỗ lực của các ban, ngành, địa phương, huyện Cần Giuộc (Long An) đã đạt nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực. Đặc biệt, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trên cây rau được nhân rộng, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân cải thiện cuộc sống.
Nâng cao nguồn thu nhập
Toàn huyện Cần Giuộc hiện có 1.036,28ha rau ƯDCNC (đạt 91,8% kế hoạch/năm), trong đó, chủ yếu rau trồng trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính (112,67ha) và rau trồng sử dụng hệ thống tưới phun tự động, tưới thấm, tưới tiết kiệm (303,6ha). So với phương pháp truyền thống, trồng rau ƯDCNC giúp nông dân giảm được chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, có đầu ra sản phẩm ổn định.
Ông Đặng Văn Tổng, ngụ xã Phước Hậu, cho biết: “Gia đình tôi có 0,3ha rau trồng trong nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới tự động. Rau được trồng trong nhà lưới ít sâu, bệnh, năng suất cao hơn bên ngoài từ 0,5-1,5 tấn/0,1ha. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập từ 150-200 triệu đồng từ việc trồng rau”.
“Sản xuất rau ƯDCNC, nông dân không phải lo về đầu ra, sợ bị thương lái ép giá vì được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn bên ngoài từ 2.000-3.000 đồng/kg (tùy vào thời điểm). Trung bình 1ha rau, sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi trên 500 triệu đồng/năm” - bà Lê Thị Hồng - thành viên Hợp tác xã (HTX) Phước Thịnh, ngụ xã Phước Hậu, chia sẻ.
Theo Giám đốc HTX Phước Thịnh - Đặng Duy Dũng, các thành viên trong HTX đều ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đạt chuẩn VietGAP. Hiện HTX trực tiếp cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, trang thiết bị, tổ chức sản xuất cho thành viên; đồng thời, tập kết các sản phẩm rau sau thu hoạch, tiến hành sơ chế, làm sạch rau và đóng gói. Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của địa phương, ngành chức năng, HTX tiếp cận được thị trường, giúp nông sản có đầu ra ổn định, cung cấp cho thị trường những nông sản sạch, an toàn, được sản xuất theo hướng hữu cơ ”.
Hướng đi tất yếu
Hàng năm, để mở rộng diện tích rau ƯDCNC, huyện phối hợp các ngành chức năng tổ chức trình diễn, xây dựng mô hình điểm trồng rau trong nhà lưới, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hệ thống tưới tự động,...
“Thời gian qua, bên cạnh chỉ đạo các địa phương trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai, thực hiện Đề án Phát triển nông nghiêp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện còn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp ƯDCNC; phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật hiện đại, hướng dẫn cho nông dân nắm rõ quy trình thực hiện, bảo đảm phát triển sản xuất theo hướng sạch, truy xuất được nguồn gốc,…” - Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Anh Đức thông tin.
Đến nay, toàn huyện có 30 HTX và 95 tổ liên kết sản xuất, trong đó có 6/16 HTX rau được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Theo kế hoạch, năm 2021, Cần Giuộc tổ chức 5 điểm trình diễn mô hình ứng dụng phân hữu cơ vi sinh công nghệ mới, công nghệ nano; phấn đấu có thêm ít nhất 2 HTX, tổ hợp tác được công nhận đạt chuẩn VietGAP; xây dựng thêm 5ha tưới nước tự động, tiết kiệm nước, 100ha ứng dụng phân hữu cơ vi sinh, 3 điểm trình diễn mô hình nhà lưới trồng rau tại các xã: Thuận Thành, Mỹ Lộc và Phước Lâm, với mức hỗ trợ từ 40-50% vật tư;…
“Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả, huyện tiếp tục hỗ trợ theo hướng liên kết chặt chẽ với nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ; kịp thời hướng dẫn người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật,...; đồng thời, hoàn thành các công trình nạo vét kênh, mương nội đồng và thực hiện tốt công tác điều tiết, tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Qua đó, tạo bước tiến vững chắc trong phát triển nông nghiệp, nhất là mở rộng vùng sản xuất rau ƯDCNC tại địa phương” - Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Anh Đức thông tin thêm./.
Qua triển khai, thực hiện Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã giúp người dân Cần Giuộc thay đổi dần tập quán canh tác, ý thức hơn trong việc phát triển nông nghiệp sạch, mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, lưới, tưới tự động,... Từ đó, tiết kiệm được chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường; đồng thời, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản”.
Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Anh Đức
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hieu-qua-tu-ung-dung-cong-nghe-cao-vao-san-xuat-a118528.html