Hiệu quả từ việc đẩy mạnh liên kết mô hình '3 nhà'
Triển khai xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương đã đẩy mạnh liên kết thực hiện mô hình 3 nhà (Nhà nước, nhà trường - viện nghiên cứu, nhà doanh nghiệp). Ông John Jung, Chủ tịch Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đánh giá cao việc thực hiện mô hình này của Bình Dương.
Ông John Jung (trái, hàng trên), Chủ tịch ICF, tham quan không gian, cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp tại BIIC
Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Đến nay, Bình Dương xây dựng được một hệ sinh thái số và đổi mới sáng tạo (ĐMST), từng bước đưa địa phương ngày một “thông minh” hơn, tốt đẹp và đáng sống hơn. Cụ thể, Bình Dương đã xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), đóng vai trò như bộ não, tổng hợp thông tin, thu thập dữ liệu chuẩn hóa nhằm đưa ra chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của tỉnh.
Nhiều trường đại học trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST. Tỉnh đã có Trung tâm Sản xuất tiên tiến, Trung tâm Sáng kiến cộng đồng (BIIC), Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới (WTC BD). Hạ tầng giao thông của Bình Dương ngày càng đồng bộ, kết nối. Hiện tỉnh đang xây dựng khu công nghiệp khoa học - công nghệ, khu công nghiệp thông minh.
Tại buổi làm việc và tham quan không gian giáo dục tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông của đoàn kiểm tra ICF vừa qua, TS.Ngô Minh Đức, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Miền Đông, cho biết trong những năm qua, trường đã đầu tư hình thành hệ sinh thái ĐMST, thúc đẩy ứng dụng công nghiệp 4.0, kết nối và xây dựng quan hệ chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp. Hiện trường có vườn ươm doanh nghiệp với đầy đủ mô hình, không gian sáng tạo và cả hệ sinh thái khởi nghiệp, cùng nhiều trang thiết bị hiện đại nhằm giúp các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên sớm được hỗ trợ, thúc đẩy phát triển. Trung tâm ĐMST của nhà trường cũng là nơi kết nối, giúp các cộng đồng doanh nghiệp kết nối với sinh viên, qua đó sớm thúc đẩy hoạt động tuyển dụng nhân sự.
Sau khi tham quan và làm việc với trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Đại học Thủ Dầu Một, ông John Jung, Chủ tịch ICF bày tỏ ấn tượng về không gian học tập, không gian trưng bày các sản phẩm nghiên cứu startup, cơ sở vật chất, cũng như nỗ lực trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST của các trường.
Đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp
Tiếp và làm việc với đoàn khảo sát ICF vừa qua, ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó ban Điều hành thành phố thông minh Bình Dương, cho biết BIIC thông qua những chương trình cụ thể, nỗ lực kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, với đối tác và khách hàng. Đặc biệt Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương và Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương cũng làm việc rất chặt chẽ với nhau để kết nối doanh nghiệp với khách hàng tiềm năng, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi 4.0, hỗ trợ khởi nghiệp.
Tham quan không gian, cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp tại BIIC, ông John Jung đánh giá cao về mô hình này. Theo ông John Jung đây là mô hình rất hay mang tính kết nối cộng đồng, đồng thời thúc đẩy cộng đồng đưa ra các ý tưởng ĐMST, thúc đẩy các viện trường, tổ chức phát triển trung tâm ĐMST, Faplap hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, là cầu nối để các tổ chức, doanh nghiệp thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.
Làm việc với lãnh đạo trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Sigapore, sau khi nghe lãnh đạo nhà trường chia sẻ về những dự án cụ thể liên quan đến sự hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp như đào tạo ngắn hạn, dài hạn theo nhu cầu của doanh nghiệp, ông John Jung bày tỏ ấn tượng về cách thức nhà trường hợp tác với doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vừa có nghề và vừa có việc làm, hợp tác với doanh nghiệp để đáp ứng đúng nhu cầu nguồn nhân lực.
Là một doanh nghiệp công nghệ, thời gian qua Công ty TNHH Cicor Việt Nam tại VSIP 1 đã không ngừng kết nối với các trường đại học, chính quyền để có nguồn nhân lực một cách toàn diện. Thông tin với đoàn ICF, ông Nguyễn Trọng Luật, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cicor Việt Nam, cho biết công ty đã tạo nên một trung tâm kỹ sư, với đội ngũ kỹ sư trẻ, làm việc nhiệt tình. Để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, công ty đã phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, chính quyền. Nhờ đó công ty đã tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, tăng nhân viên, tạo thêm những chất xám không chỉ đáp ứng nhu cầu nguồn lao động tay nghề cao cho công ty mà còn cung cấp lực lượng nhân lực chất lượng cao cho các công ty khác.
Dưới góc nhìn của ICF, ông John Jung đánh giá Bình Dương đang đi đúng hướng trong xây dựng thành phố thông minh. Bình Dương đã tập trung cho ĐMST, chuyển đổi sang công nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng cao. Đây chính là định hướng cho sự phát triển thông minh, bền vững sắp tới.
Qua những ngày làm việc tại Bình Dương, tham quan hệ sinh thái ĐMST tại các trường học, ông John Jung đánh giá cao việc Bình Dương đầu tư hạ tầng, đổi mới giáo dục. Ông cho biết đây cũng chính là định hướng của ICF. Những hoạt động đầu tư Bình Dương đang tích cực triển khai thực hiện sẽ mang lại nguồn giá trị gia tăng cao hơn, cùng với những kết quả cụ thể bước đầu trong xây dựng thành phố thông minh sẽ mang lại kết quả ấn tượng hơn nữa trong giai đoạn sắp tới.
Ông John Jung, Chủ tịch ICF: “Bình Dương nói chung và Becamex IDC nói riêng đã có bước đi chiến lược đúng hướng. Bình Dương đã vận dụng tốt mô hình hợp tác “3 nhà”. Hiện thế giới có sự thay đổi liên tục, có rất nhiều những thách thức, do đó Bình Dương cần phải thích nghi để phát triển phù hợp, bền vững. Đặc biệt, Bình Dương cần xây dựng nền tảng, xây dựng con người và trí tuệ, tạo nên văn hóa về ĐMST. Việc đào tạo và đào tạo lại luôn hỗ trợ cho chính nguồn nhân lực của tỉnh nhà, đồng thời tạo sự an toàn trong giai đoạn mới”.