Hiệu quả từ việc sản xuất lúa giống ứng dụng công nghệ cao
Chuyển từ trồng lúa thương phẩm sang sản xuất lúa giống đang là hướng đi tạo ra nhiều kết quả tích cực, giúp nông dân tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích canh tác.
Nông dân chuyển từ canh tác lúa thương phẩm sang sản xuất lúa giốngThời tiết diễn biến phức tạp, tình hình dịch bệnh xảy ra thường xuyên, bị thương lái ép giá khi đến mùa thu hoạch,… là những khó khăn mà nông dân huyện Tân Thạnh nói riêng, Long An nói chung đang trăn trở. Trước tình hình trên, nhiều nông dân xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh rẽ hướng sang canh tác lúa giống cho Công ty Giống cây trồng miền Nam thay cho canh tác lúa thương phẩm.
Chị Đỗ Thị Hiền là một trong những nông dân tiên phong sản xuất lúa giống tại địa phương. Theo chị Hiền, sản xuất lúa giống không khó hơn so với lúa thương phẩm nhưng đòi hỏi phải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, áp dụng các chương trình: “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” trong khâu chăm sóc,… Đặc biệt, những ruộng lúa bước đầu chuyển đổi sang làm lúa giống tốn rất nhiều công, chi phí khử lẫn khiến giá thành sản xuất cao hơn bình thường nên nhiều người còn e ngại chưa tham gia. Tuy nhiên, đó chỉ là những vụ đầu, từ vụ thứ 3 trở đi không còn phải khử lẫn, việc sản xuất lúa giống trở nên dễ dàng hơn.
Chuyển sang trồng lúa giống, nông dân xã Kiến Bình còn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Theo đó, nông dân áp dụng mô hình cấy bằng máy và sử dụng mạ giống ươm trong khay, từ đó cây lúa khỏe, ít đổ ngã, hạn chế sâu, bệnh, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất.Và quan trọng hơn là giúp nông dân thoát khỏi điệp khúc “được mùa, mất giá” như trước đây.
Cán bộ Khuyến nông xã Kiến Bình - Nguyễn Thị Trúc Kiều cho biết: “Trồng lúa giống theo hướng ứng dụng công nghệ cao có nhiều lợi ích. Cụ thể, khi gieo sạ trúng mưa, bão thì cây lúa không bị chết; giảm công xịt thuốc cỏ lần 2 và đánh đường nước; không bị thương lái ép giá; chủ động được đầu ra”.
Lợi ích của việc trồng lúa giống mang lại góp phần giúp nông dân mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị hiện đại.Trước đây, khâu cấy mạ và ươm giống đều phải thuê mướn từ tỉnh khác đến.Còn hiện nay, người dân đã đầu tư mua máy cấy và trang thiết bị chủ động sản xuất mạ giống tại chỗ. Những ngày qua, nông dân trên địa bàn xã đang khẩn trương gieo, cấy lúa Đông Xuân 2019-2020 để kịp thời vụ, nhưng tại những điểm ươm mạ giống, công việc đã tất bật từ cả tháng trước đó.
Bà Trương Thị Ánh Hồng, ngụ xã Kiến Bình, thông tin: “Từ lúc gieo đến lúc cấy là 19 ngày, vì vậy ai muốn mua thì phải đặt trước 20 ngày. Hiện nay, nông dân trồng lúa giống chủ yếu là mua mạ về cấy, năng suất và chất lượng bảo đảm hơn”.
Các hộ dân sản xuất lúa giống vừa được hỗ trợ đầu vào, vừa được bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg, góp phần nâng cao lợi nhuận từ 20-30% so với canh tác lúa thương phẩm. Nhờ đó, từ một vài hộ dân ban đầu, nay xã Kiến Bình có 50 hộ dân tham gia liên kết sản xuất lúa giống với diện tích 560ha/năm. Đây được xem là hướng đi hiệu quả để nông dân phát triển kinh tế hộ, giúp họ an tâm về đầu ra trước những khó khăn của thị trường lúa, gạo như hiện nay./.