Hiệu quả từ việc sử dụng phân bón hữu cơ đối với cây trồng
Một trong những loại thực phẩm mà người tiêu dùng sử dụng hàng ngày đó là gạo. Để có sản phẩm gạo 'sạch' thì trước tiên là cây lúa phải sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp với các chế phẩm sinh học nhằm cung cấp cho cây lúa trong sinh trưởng và phát triển.
Thời gian qua, nhờ áp dụng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ Quế Lâm mà ông Trương Văn Chệt, khóm Tân Thành, Phường 2 (TX. Ngã Năm) đã cho ra hạt gạo “sạch”. Trong quá trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ của hộ ông Chệt, Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ về phân bón, các loại chế phẩm sinh học, hướng dẫn hộ áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ một cách bài bản, khoa học.
Ông Chệt chia sẻ: “Vụ Đông - Xuân năm 2019 - 2020, tôi áp dụng canh tác lúa theo hướng hữu cơ Quế Lâm, với chi phí sản xuất bỏ ra khoảng 19,5 triệu đồng/ha, còn canh tác truyền thống chi phí gần 22 triệu đồng. Còn vụ Hè - Thu tôi đã thu hoạch xong, theo tính toán được tôi ghi chép đầy đủ, chi phí đầu tư 1ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ Quế Lâm là 16,6 triệu đồng (ruộng sản xuất truyền thống 20,2 triệu đồng), như vậy tôi đã giảm chi phí sản xuất được 3,6 triệu đồng/ha. Đồng thời, trong suốt quá trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, ruộng lúa của gia đình tôi không phun thuốc trừ cỏ, trừ bệnh đạo ôn, không phun thuốc trị rầy bởi ruộng lúa không gặp các loại dịch bệnh trên. Qua đó, ruộng lúa chỉ dùng thảo mộc phun trị bọ trĩ cũng như dùng hoàn toàn phân bón hữu cơ do Tập đoàn Quế Lâm cung cấp, tổng chi phí cho 1 công lúa (1.000m2) là 880.000 đồng, giảm 220.000 đồng so với sản xuất truyền thống... Bên cạnh việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ giảm chi phí đầu tư trong suốt mùa vụ thì năng suất lúa tăng cao, đất được cải tạo tốt, hạt lúa sáng, chắc, no tới cây...”.
Cũng theo ông Chệt, trong 2 vụ vừa qua, việc áp dụng sản xuất lúa sử dụng phân bón hữu cơ đem lại các lợi ích thiết thực cho bà con nông dân, đặc biệt là hạt lúa làm ra đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, nông dân không ảnh hưởng sức khỏe trong quá trình sản xuất, cải tạo môi trường sinh thái xung quanh. Các ban, ngành chuyên môn các cấp và đặc biệt là Tập đoàn Quế Lâm luôn theo sát hỗ trợ về mặt kỹ thuật, giúp ông và bà con có thêm kiến thức trong việc sản xuất lúa đạt năng suất, chất lượng tốt nhất khi áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. “Ngoài ra, lúa sau thu hoạch tại hộ được Tập đoàn Quế Lâm bao tiêu luôn đầu ra với giá lúa tập đoàn thu mua rất tốt…” - ông Chệt phấn khởi cho biết thêm.
Trưởng Phòng Kinh tế TX. Ngã Năm Hồng Minh Nhật cho rằng: “Mô hình canh tác trên lúa ST24 theo hướng hữu cơ Quế Lâm tại hộ ông Trương Văn Chệt là mô hình hay và hiệu quả mà TX. Ngã Năm đang định hướng mở rộng trong người dân, bởi đây là mô hình đảm bảo sức khỏe cho nông hộ tạo ra sản phẩm sạch an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Qua đó, mong muốn Tập đoàn Quế Lâm tiếp tục nhân rộng thêm mô hình lúa ST24 trồng theo hướng hữu cơ trên địa bàn TX. Ngã Năm…”.
Giám đốc Sở NN-PTNT Lương Minh Quyết cho rằng: “Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ được ngành nông nghiệp rất quan tâm triển khai thực hiện trên cây ăn trái, rau màu và đặc biệt trên cây lúa. Sóc Trăng có diện tích lúa lớn và cùng với sự phối hợp của Tập đoàn Quế Lâm trong công tác hỗ trợ nông dân áp dụng canh tác lúa theo hướng hữu cơ góp phần tạo ra sản phẩm gạo chất lượng, nâng cao giá trị hạt gạo nên ngành nông nghiệp nhân rộng mô hình. Đề nghị Tập đoàn Quế Lâm tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân về quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ và thu mua sản phẩm tại các điểm tập đoàn cung cấp phân bón, tạo chuỗi đầu vào, đầu ra…”.