Hiệu quả từ việc thực hiện đề án nhóm khuyến công quốc gia

Năm 2020, các hoạt động hỗ trợ khuyến công tiếp tục được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng (Trung tâm Khuyến công) nỗ lực thực hiện. Việc hỗ trợ đã và đang giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thêm động lực, mạnh dạn đầu tư mua sắm dây chuyền, thiết bị để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ước tính, tỉnh Sóc Trăng có trên 55 cơ sở sản xuất bánh pía với tổng công suất ước tính trên 40.000 tấn/năm, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động nông thôn. Qua quá trình khảo sát đánh giá tiềm năng của ngành sản xuất bánh pía do Trung tâm Khuyến công phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ và Công nghệ môi trường Tân Tiến tại TP. Cần Thơ thực hiện đã nhận thấy hạn chế hiện nay trong quy trình sản xuất của các doanh nghiệp là khâu đóng gói bao bì sản phẩm, các máy đóng gói hiện có chỉ đóng gói được từng sản phẩm nhỏ đơn chiếc, còn việc đóng gói thành bao lớn để xuất ra thị trường vẫn làm thủ công, tốn nhiều thời gian và chi phí nhân công, mức độ hư hao bao bì khi đóng gói cao, hiệu quả thấp. Để đáp ứng tốt năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và thời gian bảo quản sản phẩm đòi hỏi các doanh nghiệp cần thiết đầu tư các máy móc thiết bị đóng gói tiên tiến hơn.

Bánh pía là sản phẩm được nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở Châu Thành sản xuất. Ảnh: THIỆN HẢI

Bánh pía là sản phẩm được nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở Châu Thành sản xuất. Ảnh: THIỆN HẢI

Trong năm 2020, Sở Công thương Sóc Trăng được Bộ Công thương phê duyệt Đề án Nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất bánh pía. Trên cơ sở này, Trung tâm Khuyến công đã ký hợp đồng hỗ trợ với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương để hỗ trợ các đơn vị thụ hưởng mua sắm, lắp đặt máy móc thiết bị, theo dõi, giám sát quá trình thực hiện. Sau khi lắp đặt, vận hành thử nghiệm đảm bảo theo yêu cầu sẽ tiến hành nghiệm thu, thanh quyết toán hoàn thành đề án.

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến công, Đề án Nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất bánh pía nhằm đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh để đáp ứng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, giảm chi phí nhân công, góp phần hướng đến việc ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến của các cơ sở sản xuất bánh pía. Từ đó thúc đẩy phát triển nghề sản xuất bánh pía, tạo việc làm ổn định cho lao động tại địa phương, nhất là lao động là đồng bào Khmer.

Có 4 đơn vị tham gia thực hiện Đề án Nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất bánh pía, các đơn vị đều tập trung ở huyện Châu Thành gồm: DNTN chế biến thực phẩm bánh pía lạp xưởng Từ Gia Kiệt; Công ty TNHH Bánh pía - lạp xưởng Tân Lộc Phát; Công ty TNHH Quãng Trân; hộ kinh doanh Thái Thị Mỹ Nhung. Đề án nhóm có tổng kinh phí thực hiện gần 2,6 tỉ đồng; trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ cho 4 cơ sở là 1,1 tỉ đồng, kinh phí đối ứng của 4 đơn vị thụ hưởng gần 1,5 tỉ đồng.

Là một trong những đơn vị thực hiện đề án, hộ kinh doanh Thái Thị Mỹ Nhung ở xã Phú Tâm có truyền thống sản xuất bánh pía, lạp xưởng lâu năm. Hiện bà Mỹ Nhung có nhà xưởng sản xuất với diện tích 3.000m2 và khoảng 30 lao động. Bà Mỹ Nhung cho biết: “Để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, tôi cần đầu tư thêm 2 máy đóng gói bánh pía nhằm giúp sản phẩm được hoàn thiện hơn về bao bì. Tuy nhiên, việc đầu tư máy móc đòi hỏi kinh phí rất lớn. Đến khi được Sở Công thương và Trung tâm Khuyến công hỗ trợ thực hiện đề án thì tôi mạnh dạn đầu tư mua 2 máy đóng gói với tổng số tiền hơn 770 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia đã hỗ trợ tôi 300 triệu, số còn lại tôi đối ứng thêm”. Theo bà Mỹ Nhung, từ khi đầu tư máy đóng gói mới thì đỡ tốn công lao động hơn vì trước đó việc đóng gói bánh pía phải làm bằng thủ công, bao bì dễ bị lỗi.

Tại 2 đơn vị khác, việc tham gia thực hiện đề án nhóm cũng phát huy hiệu quả rõ rệt. Theo đó, Công ty TNHH Bánh pía - lạp xưởng Tân Lộc Phát khi được hỗ trợ đầu tư máy đóng gói đã đáp ứng tốt công suất sản xuất 80 tấn/năm; đồng thời tạo thu nhập ổn định cho khoảng 50 lao động với thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/tháng. Riêng máy đóng gói bánh pía, bánh trung thu khi được đầu tư tại Công ty TNHH Quãng Trân đã đáp ứng tốt công suất sản xuất 300 tấn/năm và tạo thu nhập ổn định cho 50 lao động với thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Theo đánh giá của lãnh đạo Trung tâm Khuyến công, đề án nhóm đã giúp các doanh nghiệp có thể sản xuất sản phẩm đa dạng với nhiều kích cỡ, khối lượng và mẫu mã khác nhau theo yêu cầu khách hàng, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương.

THIỆN HẢI

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/hieu-qua-tu-viec-thuc-hien-de-an-nhom-khuyen-cong-quoc-gia-40707.html