Hiệu quả từ việc xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia tại Gia Lai
Qua ba năm triển khai công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia (2021 - 2023), ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã có thay đổi rõ nét, qua đó, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển theo hướng tích cực, toàn diện cả về quy mô, số lượng và chất lượng giáo dục.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, qua ba năm triển khai, toàn tỉnh đã có 449/759 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm 59,16%. Công tác này đã được các địa phương triển khai đồng bộ, tích cực; trong đó có một số địa phương tỷ lệ trường học đạt chuẩn cao. Các trường đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy 2 buổi/ngày; thực hiện hiệu quả đề án ngoại ngữ, tin học, tăng cường tổ chức bán trú cho học sinh. Đồng thời, các trường tổ chức các hoạt động đa dạng, phong phú nhằm tăng cường giáo dục đạo đức và các kỹ năng sống cho học sinh; chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo an ninh, an toàn trong trường học. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được chú trọng đầu tư và từng bước được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Phần lớn các trường đạt chuẩn Quốc gia đã có phòng thư viện với nhiều đầu sách tham khảo; triển khai mô hình thư viện thân thiện, khu vui chơi vận động, nhà đa năng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển các phẩm chất, năng lực cho học sinh. Nhiều trường đã tự mua sắm các trang thiết bị hiện đại để phục vụ đổi mới phương pháp dạy học như: máy chiếu, bảng tương tác thông minh, ti vi. 100% trường đạt chuẩn quốc gia được trang bị máy tính kết nối mạng internet để phục vụ việc quản lý, giảng dạy và học tập cho giáo viên, học sinh.
Cùng với đó, công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo dần đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các cấp học cơ bản đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Công tác phối hợp giữa nhà trường với chính quyền địa phương và Ban đại diện cha mẹ học sinh được các trường quan tâm. Ban đại diện cha mẹ học sinh các cấp luôn đồng hành, phối hợp, hỗ trợ cho nhà trường trong công tác xây dựng cảnh quan, cơ sở vật chất. Việc huy động xã hội hóa cơ bản được thực hiện bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với các đối tượng, không cào bằng; tôn trọng, khuyến khích sự đóng góp công sức của mỗi người dân tham gia xây dựng cơ sở vật chất trường học.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Gia Lai đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia như: việc một số chỉ số đánh giá mang tính quá trình, định hướng để đầu tư. Nguồn kinh phí được đầu tư còn hạn chế. Nhiều địa phương đang gặp khó về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Tỷ lệ giáo viên/lớp đối với cấp học chưa đảm bảo theo quy định do còn thiếu biên chế…
Để công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia đạt được nhiều thành tựu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị, các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện, đảm bảo đủ các tiêu chí để công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia; tập trung xây dựng trường đạt chuẩn từ cấp Trung học cơ sở trở xuống. Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát toàn bộ tiêu chí của các trường đã đạt chuẩn đang trong giai đoạn công nhận lại để xem xét đúng thực chất, tuyệt đối không chạy theo thành tích; nhanh chóng tổng hợp, báo cáo các trường chưa đạt đủ tiêu chí công nhận trường chuẩn để có đánh giá trong cuối năm 2023.
Liên quan đến vấn đề thiếu giáo viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu, các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng dự thảo kế hoạch tuyển dụng tại địa phương. Các địa phương thực hiện việc rà soát, sáp nhập các điểm trường; chỉ đạo các trường học trên địa bàn chấn chỉnh chỉnh việc lạm thu đầu năm học, tuyệt đối không được kêu gọi đóng góp các quỹ ngoài quy định; thực hiện việc quản lý công sản chặt chẽ theo đúng quy định của Nhà nước.