Hiệu quả từ xét nghiệm sớm ở Đức
Số người nhiễm mới được phát hiện ở Đức trong ngày 26-3 là 6.615 ca. Những ngày trước cũng ở mức cao nhưng tỷ lệ tử vong rất thấp so với các nước khác trong khu vực. Các chuyên gia y tế của nước này cho rằng lý do chính là việc thực hiện xét nghiệm trên quy mô lớn, tới 500 nghìn xét nghiệm/tuần.
Ông Christian Drosten, Giám đốc Viện nghiên cứu virus thuộc Bệnh viện Đại học Charite ở Berlin, cho rằng việc phát hiện sớm những người nhiễm virus corona có ý nghĩa quan trọng cho việc điều trị. Các chuyên gia y tế ở Đức lo ngại rằng còn nhiều người đã nhiễm nhưng không có triệu chứng rõ ràng. Vì vậy đây là cách để sàng lọc và điều trị kịp thời.
Ông Christian Drosten cho biết: Có ít người tử vong do virus corona so với số lượng lớn người nhiễm ở Đức là vì chúng tôi có khả năng thực hiện rất nhiều xét nghiệm mỗi ngày. Hệ thống phòng xét nghiệm được đặt ở khắp các nơi là điều kiện thuận lợi để thực hiện được tới 500 nghìn xét nghiệm chỉ trong một tuần. Không chỉ xét nghiệm tất cả những người có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, Đức còn cho xét nghiệm bất kỳ ai có triệu chứng nhẹ.
Tính tới trưa ngày 26-3, Đức phát hiện thêm 6.323 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 43,646 và cao hơn ở Pháp rất nhiều trong những ngày gần đây. Số người tử vong là 239, tăng 33 ca so với ngày 25-3, tỷ lệ ở mức 0,54% so với 5,2% ở Pháp và 7,3% ở Tây Ban Nha.
Bộ Nghiên cứu Đức cũng cho biết một khoản tiền 150 triệu euro sẽ được đầu tư để giúp các bệnh viện và phòng thí nghiệm chia sẻ dữ liệu về bệnh nhân nhiễm virus corona, qua đó hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển vaccine phòng dịch bệnh Covid-19. Với hơn 80 triệu dân, Đức có tới khoảng 29 nghìn giường bệnh và đang cố gắng tăng gấp đôi để kịp thời tiếp nhận và cứu chữa những người nhiễm.
Cùng với việc thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, các chuyên gia Đức cũng nhận thấy rằng virus corona có dấu hiệu ảnh hưởng nghiêm trọng đến của những người trẻ tuổi dù có sức khỏe tốt hơn so với các lứa tuổi khác. Đó là trường hợp của một người 42 tuổi ở Berlin, không có tiền sử bệnh lý nhưng đã tử vong ngày 25-3 do nhiễm virus corona.
Cách phòng chống dịch bệnh ở Đức đang được triển khai chặt chẽ trên khắp cả nước. Các chuyên gia Đức tiếp tục cảnh báo rằng những người trên 60 tuổi vẫn là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị bệnh nặng, tử vong do virus corona nếu không có biện pháp ngăn chặn lây lan kịp thời.
Trong khi đó, tình hình bệnh dịch ở Italy vẫn khó dự đoán vì số người nhiễm và tử vong lại tăng rất cao tính tới tối 26-3 sau mấy ngày có dẫu hiệu chững lại, thêm 712 ca tử vong và 6.203 ca nhiễm mới. Các chuyên gia y tế ở nước này cho rằng khó có thể xác định được con số chính xác, thậm chí có thể gấp nhiều lần so với thống kê hiện nay, hơn 80 nghìn ca nhiễm và hơn 8 nghìn ca tử vong.
Vùng Lombardy ở phía bắc vẫn là ổ dịch lớn nhất nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu rất đáng lo ngại ở các khu vực miền trung và nam khi số tử vong ở những nơi này tăng liên tục trong hai ngày qua. Nguyên nhân có thể là sự di chuyển của rất nhiều người phía bắc xuống trước hoặc ngay sau khi bắt đầu lệnh phong tỏa. Các chuyên gia Tây Ban Nha đã dự báo số nhiễm sẽ đạt đỉnh vào đầu tuần này nhưng diễn biến mới cho thấy dịch bệnh còn rất khó lường.
Tình hình dịch bệnh ở Tây Ban Nha cũng chưa có chiều hướng đi xuống khi có tới 8.271 ca nhiễm và 718 ca tử vong sau một ngày. Dù có lệnh phong tỏa từ ngày 14-3 và sẽ kéo dài tới 11-4 nhằm hạn chế tối đa tự lây lan, diễn biến trong một tuần qua cho thấy các bệnh viện ở nước này có nguy cơ rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng.
Các nước khác ở EU cũng đang phải nỗ lực kiềm chế dịch bệnh do số nhiễm và tử vong tăng hằng ngày như ở Hà Lan, Áo, Bỉ cũng như Bồ Đào Nha. Bệnh dịch ngày càng lan rộng và hiện đã có hơn 260 nghìn ca nhiễm và hơn 15.500 ca tử vong ở châu Âu.
KHẢI HOÀN
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp