Hiệu quả 'tức thì' từ người đứng đầu tiếp công dân
Sau buổi tiếp công dân của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, ngày 5.3.2024, UBND TP. Cao Lãnh đã giải phóng mặt bằng, bàn giao nền tái định cư cho ông Trần Thanh Vân, TP. Cao Lãnh, kết thúc 7 năm ông Vân phải chờ đợi được giao nền tái định cư. Đây chỉ là một trong những ví dụ sinh động về hiệu quả 'tức thì' từ việc người đứng đầu cấp ủy tiếp công dân.
Tin vui từ cuộc tiếp công dân
Theo ông Vân, năm 2016, UBND TP. Cao Lãnh có Quyết định thu hồi đất thổ cư của gia đình ông và bố trí 1 nền tái định cư tại Khu dân cư Kênh chợ. Tuy nhiên, khi kiểm tra mặt bằng, Ban Quản Lý dự án và Phát triển quỹ đất phát hiện tại vị trí nền ông Vân bốc thăm còn vướng hộ dân khác đang ở nên chưa thể bàn giao. Sự việc kéo dài 7 năm qua mà vấn đề đất bố trí tái định cư của ông Vân vẫn chưa được giải quyết.
Ngày 27.2 vừa qua, tại cuộc tiếp dân định kỳ, ông Trần Thanh Vân đã có cơ hội gặp trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong để đề nghị sớm bố trí nền tái định cư nhằm bảo đảm quyền lợi công dân. Sau khi nghe ông Vân và các bên liên quan trình bày, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cam kết sẽ giao nền nhà cho ông Vân trước ngày 20.3.2024. Trường hợp không bố trí được nền đã bốc thăm trước đó thì tỉnh sẽ có trách nhiệm chỉ đạo các ngành, các cấp bố trí nền khác cho gia đình ông Vân.
Và không phải chờ đợi quá lâu, ngày 5.3 vừa qua, ông Vân đã được bàn giao nền tái định cư. Đây hẳn nhiên là tin vui đối với ông, bởi sau 7 năm đi lại và chờ đợi, ông đã nhận được đất nền tái định cư, giúp ông và gia đình sớm ổn định cuộc sống. Hiệu quả “tức thì” sau buổi tiếp công dân một lần nữa cho thấy, sự lắng nghe cầu thị và chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy đã đáp ứng được nguyện vọng, bảo đảm quyền lợi của người dân.
Có nơi tiếp công dân chưa đúng quy định
Luật Tiếp công dân đã quy định rất cụ thể về trách nhiệm tiếp công dân đối với từng chủ thể. Nhìn chung kết quả tiếp công dân thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cũng có những nơi người đứng đầu chưa thực sự tuân thủ quy định này.
Theo báo cáo Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023 của Ủy ban Pháp luật, Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện quy định của pháp luật về trực tiếp tiếp công dân, thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân.
Quá trình thực hiện cho thấy, việc chấp hành quy định của pháp luật việc trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện tốt nhất là ở cấp Chủ tịch UBND cấp xã (trực tiếp tiếp 91%, ủy quyền tiếp 9%), tiếp theo là Chủ tịch UBND cấp tỉnh và cấp huyện (trực tiếp tiếp 79%, ủy quyền tiếp là 21%) và thực hiện ít nhất là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (trực tiếp tiếp 60%, ủy quyền tiếp 40%).
Kết quả này cho thấy, việc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa đạt yêu cầu (chỉ đạt 60%) và cũng mới chỉ đạt 92% số ngày tiếp theo quy định.
Xử lý trách nhiệm cá nhân không thực hiện tiếp dân theo quy định
Theo quy định Luật Tiếp công dân: Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương ít nhất 1 ngày trong 1 tháng. Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 ngày trong 1 tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất. Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 2 ngày trong 1 tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất. Trong khi đó, Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở UBND cấp xã ít nhất 1 ngày trong 1 tuần (mỗi tháng tiếp 4 ngày). Ngoài ra, các chủ thể này cũng tiếp công dân trong trường hợp đột xuất khi: vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh Luật Tiếp công dân, Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18.2.2019 của Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân cũng nêu rõ: người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện tiếp dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng; người đứng đầu cấp ủy cấp xã tiếp dân ít nhất 2 ngày trong 1 tháng.
Ngoài ra, Quy định cũng quy định người đứng đầu cấp ủy tiếp dân đột xuất trong các trường hợp vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến các cơ quan, tổ chức đơn vị còn khác nhau; vụ việc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Như vậy, khung khổ pháp lý về tiếp công dân, trách nhiệm của từng chủ thể trong tiếp công dân đã được quy định rất rõ. Tiếc rằng, vẫn còn tình trạng người đứng đầu không tuân thủ đúng quy định về tiếp công dân.
Tiếp công dân là cơ hội để cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân người đứng đầu lắng nghe những kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, ngăn chặn việc phát sinh các “điểm nóng” không đáng có. Thực tế cũng cho thấy, địa phương nào người đứng đầu quan tâm công tác tiếp công dân sẽ hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp, tình trạng khiếu nại, khiếu kiện đông người.
Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện công tác này. Cùng với đó, cần chỉ rõ rõ địa chỉ cụ thể từng cơ quan, địa phương, người đứng đầu để xảy ra tình trạng “để sót” ngày tiếp công dân. Cùng với đó, xử lý trách nhiệm nghiêm khắc đối với cá nhân, cơ quan, địa phương khi để xảy ra tình trạng không tiếp công dân; tránh tình trạng, nơi thực hiện tốt cũng vậy, nơi thực hiện “cho có” cũng chẳng sao.