Hiệu quả ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Năm 2019, GRDP nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh tăng hơn 6%, gấp ba lần so với bình quân cả nước. Cùng với đó, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân mỗi héc-ta đạt 550 triệu đồng/năm, gấp khoảng năm lần bình quân cả nước. Đây là kết quả đáng ghi nhận khi thành phố triển khai chương trình phát triển nông nghiệp đô thị đặc thù gắn với ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của thành phố.
Nhờ ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, đến nay Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp thương mại - dịch vụ Phú Lộc, huyện Củ Chi canh tác hơn 80 ha với sản lượng bình quân đạt 5.400 tấn rau, củ theo tiêu chuẩn VietGAP các loại một năm. Do có số lượng rau lớn và an toàn vệ sinh thực phẩm, HTX được các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố, như Co.opmart, Big C, Lotte, Satra, Safefoods… ký hợp đồng tiêu thụ ổn định. Ngoài ra, HTX còn liên kết sản xuất, tiêu thụ với các HTX, doanh nghiệp, người nông dân, tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Lâm Ðồng để đa dạng hóa sản phẩm cung cấp cho thị trường. Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại - dịch vụ Phú Lộc cho biết: Ðể đáp ứng số lượng lớn rau, củ các loại cho hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố, 43 thành viên HTX thống nhất phải ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất theo chủ trương của thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp thành phố cũng hỗ trợ cho HTX bằng nhiều chương trình trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như hỗ trợ vay vốn, tập huấn cho các xã viên làm chủ các công nghệ mới…
Năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) thành phố tập trung triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Ðồng thời thực hiện Kế hoạch phát triển nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố, gồm rau, hoa - cây kiểng, bò sữa (con giống, sữa), lợn (con giống, thịt), tôm nước lợ và cá cảnh (sản phẩm có tiềm năng)... Kết quả, giá trị sản xuất ước đạt 21.161 tỷ đồng, tăng 6,19%; GRDP ước đạt 8.938 tỷ đồng, tăng 6,01% so cùng kỳ năm 2018. Nhờ triển khai các mô hình chuyển đổi từ trồng lúa, mía hiệu quả thấp sang trồng rau, hoa cho giá trị tăng cao, như chuyển đổi từ cây mía sang trồng mai (321 ha) tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, giá trị thu được tăng từ 20 đến 50 lần. Nuôi tôm hai giai đoạn công nghệ cao đạt 135 tấn/ha/năm so với nuôi bán thâm canh năng suất 36 tấn/ha/năm, áp dụng kỹ thuật thiết kế, lắp đặt và xây dựng hệ thống lọc nước đầu vào trong quy trình sản xuất con giống và hệ thống bể ương cá giống, đã tăng tỷ lệ nở cá bột cao hơn 20% so với quy trình sản xuất cá giống truyền thống. Những chuyển đổi này góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp thành phố. Cũng trong năm 2019, thành phố có 220 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm và thủy sản thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp kinh doanh đang hoạt động lên 1.675 doanh nghiệp nông nghiệp, vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2020 là 1.500 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã xuất khẩu giống cây trồng đạt 620 tấn, tăng 27,8%, cá cảnh xuất khẩu đạt 21,5 triệu con, tăng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu 23,2 triệu USD, tăng 3,7% so cùng kỳ năm 2018. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu chiếm 54,09%; châu Á chiếm 29,18%; châu Mỹ chiếm 14,34%...
Phó Giám đốc Sở NN và PTNT thành phố Nguyễn Xuân Hoàng cho biết: Năm 2020, Sở đặt ra mục tiêu tiếp tục chuyển đổi mạnh đất trồng lúa, mía hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi giá trị, hiệu quả cao, đặc biệt là phát triển sáu loại cây trồng, vật nuôi chủ lực ngành nông nghiệp của thành phố theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao. Ðồng thời, phát triển khoa học - công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho khu vực nông thôn. Cùng với đó là phát triển sản xuất kết hợp du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thành phố hiện đang tiếp tục đầu tư các hạng mục tại Trung tâm Công nghệ sinh học, mở rộng Khu Nông nghiệp công nghệ cao và tiếp tục ban hành các chương trình, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp đô thị, như Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chính sách hỗ trợ sản xuất theo quy trình VietGAP, tiêu chí công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Ðây sẽ là nguồn lực tiếp tục hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển đúng định hướng của thành phố là tập trung vào phát triển sản xuất giống cây, giống con chất lượng cao.
Ngoài ra, để phát triển nông nghiệp bền vững, ngành nông nghiệp thành phố tập trung phát triển khoa học - công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp. Trong đó, tập trung triển khai để nâng tỷ lệ diện tích ứng dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng trong sản xuất rau, cây kiểng giúp bảo đảm ổn định năng suất chất lượng cây trồng và các mô hình sản xuất rau thủy canh theo mô hình màng mỏng dinh dưỡng… Qua đó, hướng đến mục tiêu cuối năm 2020 nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 60% đến 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả thành phố.
Năm 2020, chỉ tiêu của ngành nông nghiệp phấn đấu đạt được là, tốc độ tăng trưởng GRDP 6%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất 6%/năm, giá trị sản xuất bình quân/ha 600 triệu đồng. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp tăng lên 1.700 doanh nghiệp, phát triển diện tích rau an toàn các loại lên 21.150 ha, diện tích hoa - cây kiểng là 2.510 ha…