Hiệu quả ứng dụng máy tời thủy lực trong khai thác hải sản
Nhằm giảm nhân công, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, ngư dân các địa phương ven biển của tỉnh đã tích cực đầu tư ứng dụng máy tời thủy lực trong thu, rải lưới trên biển.
Ngư dân phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn) đầu tư ứng dụng máy tời thủy lực nâng cao hiệu quả khai thác hải sản.
Trước thực trạng lao động tham gia khai thác hải sản ngày càng có xu hướng giảm, khiến các chủ tàu cá gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công cho mỗi chuyến đi biển. Vì vậy, những năm gần đây, ngư dân các phường Quảng Cư, Quảng Tiến, Quảng Vinh... của TP Sầm Sơn đã tích cực đầu tư ứng dụng máy tời thủy lực thu, rải lưới trong quá trình khai thác hải sản trên biển. Theo ngư dân Nguyễn Văn Nhung, phường Quảng Cư, chủ tàu cá TH 91099.TS hành nghề lưới rê, chuyên khai thác hải sản vùng biển Vịnh Bắc bộ, hiện bộ lưới rê trên tàu cá nặng 27 tấn, dài 10 hải lý (tương đương 18km) và sâu 40m. Trước đây mỗi lần ra khơi luôn có 10 đến 12 người phải thay ca nhau thu kéo lưới bằng tay cả ngày trời mới được mẻ lưới, công việc rất vất vả. Từ khi đầu tư máy tời thủy lực để thu kéo lưới, tốc độ thu lưới nhanh hơn nhiều so với kéo lưới bằng tay, mỗi ngày có thể đánh được 2 đến 3 mẻ lưới. Do không phải kéo thủ công nên tàu cá của ông đã giảm được 3 thuyền viên làm việc cho mỗi chuyến đi biển, sản lượng khai thác hải sản cũng tăng lên. Ngoài ra, máy là hệ thống thủy lực nên chạy rất êm, không gây tiếng ồn và có kết cấu gọn, dễ tháo lắp mà chi phí đầu tư khoảng hơn 30 triệu đồng/máy. Sử dụng máy tời thủy lực cũng an toàn hơn so với máy tời cơ truyền thống.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, hiện các địa phương ven biển có khoảng 580 tàu cá sử dụng máy tời thủy lực trong thu, rải lưới. Trong đó, nghề lưới rê 135 phương tiện, lưới vây 80 phương tiện, lưới chụp 270 phương tiện. Cũng theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, tàu cá ứng dụng máy tời thủy lực giảm nhân công lao động, góp phần giải quyết tình trạng thiếu thuyền viên đi biển. Với tốc độ thu lưới của tời thủy lực từ 20 - 32 vòng/phút, nhanh hơn tời cơ thủ công khoảng 12 - 16 vòng/phút, nên hải sản khai thác được bảo quản nhanh hơn và chất lượng tươi ngon hơn. Thời gian thu lưới và chi phí chuyến biển giảm, nên thu nhập cho ngư dân trên tàu tăng 1,28 lần so với thu kéo lưới thủ công. Thời gian thu mỗi mẻ lưới giảm xuống còn 0,67 lần, nên giảm được chi phí nhiên liệu chạy tàu. Ngoài ra, sử dụng máy tời thủy lực mỗi tàu cá có thể trang bị thêm nhiều cheo lưới, từ đó nâng cao hiệu quả khai thác hải sản trên biển.
Đến ngày 15/5, toàn tỉnh hiện có 6.059 tàu cá, trong đó phương tiện có chiều dài từ 15m trở lên là 1.097 chiếc chuyên khai thác vùng khơi. Cơ cấu nghề khai thác hải sản trong tỉnh rất đa dạng, từ các nghề truyền thống khai thác ven bờ đến các nghề khai thác xa bờ. Trong đó, nghề lưới kéo chiếm 30,8%; nghề lưới vây chiếm 3,5%; nghề lưới rê chiếm 23,7%; nghề câu chiếm 5,6%; nghề chụp chiếm 6,6%; hậu cần chiếm 2,5%; nghề lồng bẫy và nghề khác chiếm 27,3% tổng số tàu cá. Theo Kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 3/10/2022 của UBND tỉnh về phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030, trong đó lĩnh vực thủy sản phấn đấu ứng dụng cơ giới trong khai thác, bảo quản hải sản trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt trên 85% năm 2025, đạt trên 95% năm 2030. Hiện Chi cục Thủy sản đang tích cực khuyến khích ngư dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển đầu tư ứng dụng trang thiết bị hiện đại phục vụ khai thác hải sản, góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm sức lao động trong điều kiện thiếu hụt lao động nghề biển như hiện nay. Cùng với đó, tuyên truyền, hướng dẫn và nhân rộng mô hình tàu cá ứng dụng máy tời thủy lực trong khai thác hải sản xa bờ. Việc ứng dụng máy tời thủy lực trong khai thác hải sản tạo điều kiện cho ngư dân chuyển đổi những nghề khai thác có nguy hại sang nghề cá thân thiện với môi trường và hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân đầu tư trang thiết bị trên tàu cá khai thác hải sản xa bờ.