Hiệu quả và những khó khăn sau sáp nhập thôn, bản

ĐBP - Sau hơn 1 năm sáp nhập thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã mang lại những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, góp phần thu gọn đầu mối, tinh giản số lượng người hoạt động không chuyên trách, giảm chi từ ngân sách và nâng cao hiệu quả đầu tư cho cơ sở… Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn một số khó khăn ảnh hưởng tới hoạt động của các thôn, bản, khu phố sau sáp nhập.

Cán bộ bản Nát, xã Quài Cang hội ý triển khai công việc.

Việc sáp nhập thôn, bản, khu phố là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm khắc phục tình trạng manh mún phân tán của cộng đồng dân cư; đồng thời, tạo điều kiện xây dựng các thiết chế văn hóa và nâng cao năng lực hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương. Thực hiện công tác này, huyện Tuần Giáo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ dôi dư sau sáp nhập; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc sáp nhập... Tất cả những vấn đề phát sinh trong quá trình sáp nhập đều đưa ra bàn thảo và đề xuất các phương án giải quyết hài hòa và ổn định. Nhờ vậy, người dân ở các thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện đã gạt bỏ những định kiến, vì lợi ích chung cũng như sự phát triển của địa phương, nhất trí phương án sáp nhập với tỷ lệ đồng thuận tương đối cao. Đến nay, huyện Tuần Giáo đã thực hiện sáp nhập 115 bản, thành lập 55 bản mới, giảm số thôn, bản, khu phố trên địa bàn xuống 177.

Xã Quài Cang có số bản được sáp nhập nhiều nhất huyện Tuần Giáo, giảm từ 24 bản xuống còn 13 bản. Ông Lò Văn Khuyên, Chủ tịch UBND xã Quài Cang cho biết: Việc giảm số lượng bản góp phần tinh gọn bộ máy, giảm chi phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cho cán bộ không chuyên trách cơ sở. Mỗi bản chỉ còn 3 chức danh: Bí thư Chi bộ, Trưởng bản và Trưởng ban công tác mặt trận nên có thể lựa chọn được những cán bộ vừa có tâm, vừa có trách nhiệm để tin tưởng giao nhiệm vụ. Hơn thế nữa, mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ này được nâng lên từ 1,2 - 1,3 lần mức lương cơ sở cũng khiến họ nâng cao tinh thần trách nhiệm. Thực tế cho thấy là từ sau khi sáp nhập, đội ngũ cán bộ cơ sở tích cực, năng động hơn trong giúp xã triển khai thực hiện những nội dung công việc tới từng hộ dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn một số khó khăn mang tính chất đặc thù của địa phương vùng cao. Nếu như trước đây mỗi bản chỉ khoảng 60 - 70 hộ thì nay lên tới 170 - 180 hộ khiến cho công tác quản lý tương đối khó khăn. Một số bản ở gần nhau thì không bị ảnh hưởng nhiều nhưng các bản vốn ở xa nhau khi sáp nhập thì lại thành các cụm dân cư. Như 3 bản: Hin, Cón, Cản sáp nhập thành bản Cản với 192 hộ dân, nhưng do địa hình rộng, chia cắt nên phân tán thành 3 cụm dân cư xa nhau. Công tác nhân sự vì vậy cũng phải có sự định hướng, cơ cấu ở mỗi cụm một chức danh mới có thể bao quát hết bản. Cùng với đó, nhiều bản sau sáp nhập chưa có nhà văn hóa hoặc nhà văn hóa chỉ phù hợp với số lượng dân cư cũ. Vì vậy, các cuộc họp thường phải tổ chức họp tại nhà trưởng bản hay phải nhờ nhà dân khác nhưng cũng vẫn chật chội, ồn ào, gây khó khăn cho việc triển khai công việc.

Đồng tình với những lợi ích, hiệu quả của việc sáp nhập thôn, bản, khu phố như lãnh đạo xã Quài Cang chia sẻ, ông Vừ Sái Sùng, Bí thư Đảng ủy xã Pú Nhung còn dẫn chứng cụ thể minh họa cho những khó khăn. Xã Pú Nhung hiện có 8 bản, giảm 2 bản so với thời gian trước đây nhờ sáp nhập bản Phiêng Pi A, B thành bản Phiêng Pi; sáp nhập bản Đề Chia B, C thành bản Đề Chia B. Việc sáp nhập bản làm cho số hộ dân tăng lên, khiến công tác quản lý của cán bộ cơ sở gặp nhiều khó khăn. Từ đầu đến cuối bản Phiêng Pi hiện nay có chiều dài gần 2km, còn để đi hết được bản Đề Chia B cũng phải vượt qua quãng đường 2,8km. Việc đơn giản như thông báo cho bà con tới họp bản cũng mất rất nhiều thời gian. Không chỉ vậy, trong quá trình họp, số lượng các hộ dân quá đông cũng khiến cho công tác tổ chức gặp nhiều trở ngại. Qua một vài cuộc họp bản có thể thấy chỉ việc điểm danh các hộ cũng đã mất hơn 30 phút. Rồi trong quá trình cán bộ triển khai nội dung thì có chỗ không tập trung hoặc trao đổi việc riêng… dẫn đến chất lượng cuộc họp không được như mong muốn.

Việc sáp nhập thôn, bản, khu phố mang lại nhiều hiệu quả nhưng cũng tồn tại không ít khó khăn ảnh hưởng tới hoạt động của các thôn, bản, khu phố mới sau sáp nhập. Đây đều là những vướng mắc mang yếu tố khách quan và hoàn toàn có thể giải quyết được khi có sự vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời, nêu cao được tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ cán bộ thôn, bản, khu phố với nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/180315/hieu-qua-va-nhung-kho-khan-sau-sap-nhap-thon-ban