Hiệu quả xã hội hóa xây dựng nông thôn mới
ĐBP - Xã hội hóa nguồn vốn xây dựng nông thôn mới (NTM) góp phần huy động nguồn lực trong bối cảnh nguồn vốn Nhà nước còn hạn chế, thu hút cộng đồng doanh nghiệp, người dân tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng hạ tầng nông thôn.
Công trình đường nông thôn bản Na Cọ, xã Mường Lói (huyện Ðiện Biên) trị giá 50 triệu đồng được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Trong ảnh: Các tổ chức, đoàn thể và nhà tài trợ dự lễ khánh thành tuyến đường bản Na Cọ. Ảnh: Thu Phương
Xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) là một trong những xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh, cũng là xã điểm của tỉnh trong xây dựng NTM nâng cao, tiến tới NTM kiểu mẫu. Ðến nay xã Thanh Hưng đã cơ bản hoàn thành 14/16 tiêu chí NTM nâng cao theo Quyết định 330/QÐ-UBND ngày 18/4/2019 của UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí “Xã đạt chuẩn NTM nâng cao”. Hầu hết các tiêu chí được Thanh Hưng thực hiện thành công nhờ sự đóng góp, xã hội hóa trong dân, cộng đồng doanh nghiệp. Ðặc biệt, một số tiêu chí đòi hỏi nguồn vốn lớn như tiêu chí về giao thông, thủy lợi, trường học và văn hóa, thể thao đều được người dân hiến đất, góp công và tiền của để thực hiện.
Ông Phạm Văn Cường, Trưởng thôn Hưng Thịnh, xã Thanh Hưng là một trong những điển hình trong xã hội hóa xây dựng NTM. Khi nhận được kế hoạch triển khai của cấp trên về thực hiện chương trình NTM, ông Cường đã chủ động báo cáo chi bộ, bàn bạc với ban phát triển thôn; họp dân triển khai và thông qua dân thống nhất cùng làm. Kết quả năm 2015, nhân dân thống nhất góp đất, góp tiền xây dựng 216m đường bê tông; trong số tiền dân đóng góp 40 triệu đồng. Năm 2016, ông Cường tiếp tục vận động nhân dân nắn bờ dậu, tường bao để làm đường bê tông với giá trị đóng góp 41 triệu đồng để làm 479m đường. Ðồng thời ông đã vận động 44 hộ mặt đường trục chính, đường liên thôn của xã ủng hộ gần 17 triệu đồng cho những hộ làm đường ngõ xóm. Trong quá trình xây dựng nhà văn hóa thôn, ông Cường cùng người dân trong thôn đã ủng hộ và góp công xây nhà, sân, tường bao, công trình phụ với số tiền 35 triệu đồng và 150 ngày công.
Xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Khi mới bước vào thực hiện, xã Lay Nưa gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, nhiều tuyến đường chưa được bê tông hóa hoặc đã xuống cấp nghiêm trọng. Xác định hoàn thành tiêu chí giao thông sẽ là điều kiện thúc đẩy việc hoàn thành nhiều tiêu chí còn lại, xã Lay Nưa đã ban hành nghị quyết, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai đến từng bản. Bên cạnh đó đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của xây dựng NTM. Ðiển hình trong việc xã hội hóa là thực hiện xây dựng đường bê tông dân sinh bản Ho Ló 1 có tổng chiều dài 470m và tuyến đường nội đồng bản Ho Cang dài 479m. Ðể thực hiện thành công các tuyến đường này, ngoài nguồn vốn của chương trình thì xã Lay Nưa đã huy động nhân dân hiến đất và tài sản trên đất, công đào nền đường, rãnh thoát nước, vận chuyển vật liệu… trị giá gần 500 triệu đồng; kêu gọi các doanh nghiệp ủng hộ như Công ty Cổ phần Xi măng Ðiện Biên hỗ trợ 100 tấn xi măng, Doanh nghiệp Thanh Bình hỗ trợ 200m3 đá, Công ty Thương mại và Xây dựng Ðức Trường hỗ trợ 370m3 cát…
Dự ước hết năm 2020, toàn tỉnh có 38 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Ðể đạt được kết quả này nếu chỉ dựa vào nguồn lực của chương trình xây dựng nông thôn mới thì rất khó, do đó sự tham gia ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đã tác động rất lớn đến quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, giai đoạn 2010 - 2020, toàn tỉnh đã huy động nguồn xã hội hóa từ nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp gần 151 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, người dân còn hiến hàng nghìn mét vuông đất và ngày công để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu. Xã hội hóa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong dân cư, cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần đưa chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Ðiện Biên đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân.