Hiệu quả xử lý, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm

Tỉnh Thái Nguyên vừa tiến hành đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 11/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan chức năng đã phát hiện, tiếp nhận hàng chục nghìn tin báo, tố giác về tội phạm với tỷ lệ giải quyết đạt trên 98%. Qua đây đã phát hiện và kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong công tác xử lý, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm ngay từ cơ sở.

Công an thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) triển khai nhiều hình thức tiếp nhận tin báo của nhân dân, trong đó có việc thu thập thông tin qua mạng xã hội.

Công an thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) triển khai nhiều hình thức tiếp nhận tin báo của nhân dân, trong đó có việc thu thập thông tin qua mạng xã hội.

Từ năm 2014 đến nay, thống kê cho thấy, qua công tác nắm bắt tin báo, tố giác, cơ quan chức năng đã khởi tố gần 13.400 vụ án hình sự, trong đó có 2.177 vụ việc từ tố giác, 11.173 vụ việc từ tin báo… Điển hình là xử lý một số vụ liên quan đến cán bộ điều tra, điều tra viên, kiểm sát viên vi phạm pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Còn nhớ tháng 5-2020, trường hợp 2 cán bộ công an xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) vi phạm các quy định trong quá trình giải quyết vụ việc đánh bạc ở địa phương đã bị phát hiện và xử lý hình sự khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Đó là trường hợp của Hà Phúc Thái, Trưởng Công an xã Hợp Tiến nhận hối lộ trong quá trình giải quyết vụ việc 9 đối tượng đánh bạc bị bắt quả tang ngày 28/5/2020 tại xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến và trường hợp của Trần Ngọc Huỳnh, Phó Trưởng Công an xã Hợp Tiến làm sai lệch hồ sơ trong quá trình xác minh ban đầu liên quan đến vụ đánh bạc trên. Kết quả, Hà Phúc Thái bị khai trừ khỏi Đảng, cách chức Trưởng Công an; Trần Ngọc Huỳnh bị khai trừ khỏi Đảng, buộc thôi việc. Đây chỉ là một trong số những vụ việc vi phạm pháp luật điển hình của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Trong 10 năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, yêu cầu, đề nghị trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp của tỉnh đã ban hành 52 kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức hữu quan và đều được chấp nhận. Cơ quan này đã trực tiếp kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố 140 cuộc đối với cơ quan điều tra hai cấp; ban hành 164 kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục vi phạm; thực hiện 40 cuộc thanh tra tại 14 đơn vị viện kiểm sát nhân dân hai cấp…

Lực lượng Công an tăng cường biện pháp nghiệp vụ bảo đảm các tố giác, tin báo do công dân, cơ quan, tổ chức phản ánh được tiếp nhận kịp thời, đầy đủ. Công an tỉnh đã ban hành 14 chương trình, quyết định, kế hoạch tổ chức kiểm tra, thanh tra đối với công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố với 138 lượt đối tượng. Qua kiểm tra đã phát hiện 74 vi phạm phải kiểm điểm và một số hạn chế cần rút kinh nghiệm.

Theo các cơ quan chức năng, sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác, cơ quan điều tra phân loại, xác minh ban đầu để không bỏ lọt các vụ việc có dấu hiệu phạm tội. Đồng thời phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp thống nhất quan điểm giải quyết đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp.

Thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên, hằng năm, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đều ban hành và thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Thông qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót trong công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố để chấn chỉnh, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Qua đây, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã có chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động, nâng cao ý thức, trách nhiệm, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng các quy định trong công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tội phạm.

Mặc dù đạt được kết quả tích cực, song thực tế tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm vẫn có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp. Hiện nay, đã xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, nhất là tội phạm liên quan đến công nghệ cao, tinh vi, đa dạng về hình thức, phạm vi hoạt động, phương thức, thủ đoạn.

Chính vì vậy, cùng với các biện pháp quản lý trật tự xã hội đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, cần tăng cường hơn nữa công tác nắm bắt thông tin tình hình tội phạm, kịp thời tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm ngay từ cơ sở, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự quốc gia.

Minh Quân

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phap-luat/202408/hieu-qua-xu-ly-giai-quyet-tin-bao-to-giac-toi-pham-6e31548/