Hiểu rõ 4 điều này để không tự làm khổ mình
Đa số những phiền não của con người đều đến từ các mối quan hệ xã hội.
Con người sống trên đời không thể không có bạn bè. Dùng tiền để kết bạn, hết tiền thì nghĩa cũng chẳng còn. Dùng lợi ích để kết bạn, không còn giá trị thì bạn bè cũng đi. Dùng tình cảm để kết bạn, tình nhạt thì nghĩa cũng phai. Chỉ có dùng chân tâm để kết bạn, chặng đường đồng hành mới bền lâu.
Đối nhân xử thế trong các mối quan hệ, nhớ lấy 4 điều “không cần thiết” này, cuộc sống mới dễ dàng hơn, không rước muộn phiền vào người:
1. Ghét một người, không cần thiết phải lật mặt
Cách hợp tình hợp lý nhất khi chúng ta ghét một người là tránh càng xa càng tốt, cố gắng hạn chế tiếp xúc, chứ không phải tiếp tục qua lại trong hậm hực, bày trò tính kế lẫn nhau.
Trên bước đường đời, chúng ta luôn không ngừng gặp đủ kiểu người. Khi đã trải qua quá nhiều, sẽ không còn kiểu cứ hễ cãi nhau thì đòi kết thúc quan hệ, thay vào đó lại là dần rời xa trong im lặng. Đời người quá ngắn ngủi, không nhất thiết phải tranh chấp hơn thua với người không đáng.
Bất kể trong cuộc sống hay công việc, bạn đều gặp người khiến bạn chán ghét. Đầu tiên nên học cách tránh né và nhường nhịn. Sự khoan dung của bạn chí ít cũng có thể duy trì được thể diện đôi bên và sự hòa bình. Nhưng một khi đã lật mặt hận thù trả đũa thì đương nhiên tình cảm không còn, quan hệ cũng đứt gánh.
Trên thực tế, phá hủy mối quan hệ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực rất lớn cho cả bản thân và đối phương.
Người thông minh sẽ không để quá nhiều người tiến vào thế giới của mình, cũng không tiếp xúc với người mà bản thân ghét bỏ. Chỉ như vậy mới không rước về bực dọc, mệt mỏi.
2. Bỏ lỡ một người, không dằn vặt
Khi bỏ lỡ một người, bạn đương nhiên nhung nhớ, nhưng không cần thiết phải nhớ nhung cả đời. Người đi cũng đã đi rồi. Tất cả chỉ là quá khứ.
Bạn nên nhớ rằng bạn còn ngày mai tươi sáng đang đón chờ, cùng có người đang đợi bạn ở phía trước. Cho dù từng yêu thích một người đến mức nào, cũng không nên vì họ mà bỏ rơi hạnh phúc và sự vui vẻ của mình.
Trên thế giới này, không có người nào thật sự đồng cảm hết tất cả những nỗi đau mà bạn phải gánh chịu. Bởi lẽ đây không phải là chuyện của họ. Người khác có thể đồng cảm, sẽ an ủi và sẻ chia, nhưng vĩnh viễn không thể thấu hiểu ngọn ngành những gì bạn trải qua.
Đừng vì bỏ lỡ thứ gì đó mà tiếc nuối, hối hận quá cực đoan. Ai cũng phải bỏ lỡ, người người đều bỏ lỡ. Thứ thật sự thuộc về bạn thì vĩnh viễn không bỏ bạn mà đi.
3. Nhìn thấu một người, không nhất thiết phải vạch trần
Mối quan hệ giữa con người đòi hỏi phải có sự tôn trọng qua lại. Đây chính là nguyên tắc trao đổi giá trị.
Nhìn thấu một người, đừng nói ra một cách trần trụi. Họa từ miệng mà ra. Các mối quan hệ thường bị phá hủy vì nói lời tổn thương với nhau. Nói lời ác ý, tổn thương đến người khác, bản thân cũng khó lòng sống tốt.
Biết được đối phương là người thế nào, nếu không hợp với mình thì từ từ tránh xa. Không nên vạch trần họ trước mặt người khác. Đừng tưởng việc này là chuyện để bạn tự hào. Hãy đặt vào vị trí của đối phương để suy nghĩ. Khiến đối phương ê chề thì bạn cũng trở thành kẻ ác, không hơn không kém.
4. Biết ơn một người, không nhất thiết phải cong lưng cúi mình
Người thấu hiểu được sự biết ơn thường rất ít ghen ghét hay đố kị. Họ luôn có thể phát hiện những điều tốt đẹp ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn. Điều quan trọng hơn là người biết ơn thường rất lương thiện.
Tuy nhiên, biết ơn và trả ơn không có nghĩa là phải cúi đầu, khúm núm hay phục tùng bất kỳ ai.
Trong xã hội phức tạp này, mỗi người đều có giá trị và nguyên tắc của riêng mình. Đã nhận ân nghĩa thì đương nhiên phải trả. Đây là đạo lý ngàn đời.
Nhưng cho dù chịu ơn bất cứ ai, chúng ta không có nghĩa vụ phải phục tùng họ, hay ra sức xu nịnh để lấy lòng. Hành vi này đã vượt quá giới hạn đạo đức, không chỉ đơn thuần là nhận ơn và đáp nghĩa.
Chính vì vậy, trả ơn là điều nên làm. Trả ơn mà phải đánh mất cái tôi và sự tôn nghiêm của mình thì hoàn toàn không đúng đắn.