Hiểu rõ hơn Luật Căn cước, bảo đảm quyền lợi theo quy định pháp luật
Luật Căn cước đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024. Các đơn vị thuộc CATP Hà Nội đã tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là đối tượng học sinh, để đảm bảo các em được hưởng quyền lợi theo đúng quy định của pháp luật.
Tập trung giới thiệu điểm mới
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn của buổi sinh hoạt dưới cờ, học sinh trường THCS Phúc Diễn và Tây Hà Nội đã được các cán bộ, chiến sĩ CAQ Bắc Từ Liêm giới thiệu để nắm rõ những điểm mới của Luật Căn cước. Trung tá Nguyễn Thanh Huyền - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) CAQ Bắc Từ Liêm cho biết, Luật Căn cước 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024 có nhiều điểm mới với những thay đổi quan trọng.
“Theo Điều 18, Điều 19 Luật Căn cước, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp Thẻ Căn cước theo nhu cầu và công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú, nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư đều được cấp Thẻ Căn cước. Đây là lần đầu tiên người từ 6 đến 14 tuổi được cấp Thẻ Căn cước nếu có nhu cầu, do đó CAQ đã tổ chức tuyên truyền nội dung này đến các trường THCS trên địa bàn” - Trung tá Nguyễn Thanh Huyền thông tin.
Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền như báo cáo kết hợp trình chiếu dưới dạng slide hình ảnh, xây dựng những phim phóng sự, tiểu phẩm nhỏ, tài liệu tuyên truyền đã truyền tải đến các em học sinh 10 điểm mới của Luật Căn cước so với Luật Căn cước công dân 2014.
Theo Đội Cảnh sát QLHC về TTXH CAQ Bắc Từ Liêm, mục tiêu của buổi tuyên truyền trong các nhà trường để học sinh hiểu rõ hơn về Luật Căn cước, bảo đảm quyền lợi theo đúng quy định của pháp luật. Sau phần báo cáo thuyết trình, báo cáo viên có sự trao đổi trực tiếp với các em học sinh, qua đó để các em nắm được nội dung cơ bản, đặc biệt với nội dung mở rộng đối tượng cấp Thẻ Căn cước.
Tại quận Cầu Giấy, CAQ đã tham mưu cho các Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng những tiểu phẩm nhỏ, trò chơi có thưởng, tạo sự hấp dẫn để công tác tuyên truyền về Luật Căn cước có hiệu quả. Cô Chu Thị Như Quỳnh - Phó Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân bày tỏ, việc cấp Thẻ Căn cước cho công dân dưới 14 tuổi vô cùng tiện ích, bởi tất cả giấy tờ của các em sẽ được tích hợp trong đó, rất thuận lợi trong học tập và các hoạt động khác. Việc này sẽ tiếp tục được nhà trường tuyên truyền tới các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các em học sinh để cùng hiểu và thực hiện tốt.
Phổ biến đến từng người dân
Chỉ huy Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH nhìn nhận, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Căn cước 2023, định danh và xác thực điện tử đến từng người dân rất quan trọng, giúp cán bộ, nhân dân và các em học sinh hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật, tài khoản định danh điện tử đối với đời sống xã hội và trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Qua đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong cả hệ thống chính trị khi triển khai. Bên cạnh công tác tuyên truyền, công an các quận, huyện, thị xã cũng đã chủ động, nỗ lực với tinh thần khẩn trương, tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Căn cước từ ngày 1-7-2024 trên địa bàn thành phố.
Cô Đỗ Thị Kim Loan - Hiệu trưởng trường THCS Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) bày tỏ, cách tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật trong đó có Luật Căn cước của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH rất thiết thực và hiệu quả. “Không phải là những màn thuyết trình một chiều khô cứng mà các chiến sĩ đã ứng dụng công nghệ trình chiếu kết hợp với báo cáo nội dung nên khá sinh động, thu hút được sự quan tâm của học sinh. Điều đó thể hiện bằng sự lắng nghe, bằng phần trả lời “kiểm tra bài” rõ ràng, rành mạch của các em” - cô Đỗ Thị Kim Loan đánh giá.
Ghi nhận tại một số buổi tuyên truyền Luật Căn cước, nhiều học sinh đã chủ động nêu các ý kiến, câu hỏi để trao đổi, thảo luận với báo cáo viên. Đáp ứng yêu cầu tìm hiểu thông tin về Luật Căn cước, công an các đơn vị đã phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức phát tờ rơi để học sinh tiếp tục nghiên cứu, hiểu rõ hơn nữa các nội dung liên quan.
Trong buổi tuyên truyền, một số đơn vị như CAQ Cầu Giấy, CAQ Đống Đa đã triển khai cấp căn cước công dân lưu động tại trường cho các em học sinh đủ 14 tuổi (sinh năm 2010) và hướng dẫn các em sinh năm 2009 đã được cấp căn cước công dân kích hoạt tài khoản VNeID mức 2, bảo đảm đáp ứng kỳ thi tuyển sinh trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật góp phần giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống, xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật.
Không chỉ dừng lại ở đối tượng học sinh, trong thời gian vừa qua, công an các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền về Luật Căn cước đến cán bộ, lãnh đạo UBND, các đoàn thể, và tổ chuyển đổi số cộng đồng. Bằng nhiều hình thức như tăng cường công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết ban hành Luật Căn cước, các văn bản hướng dẫn về định danh và xác thực điện tử đối với đời sống xã hội cũng như trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong cả hệ thống chính trị.
Việc sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 thành Luật Căn cước 2023 là một bước đột phá trong đổi mới quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, Thẻ Căn cước vào công tác quản lý Nhà nước.
Qua đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu quốc gia về dân cư; phục vụ cho việc xây dựng và phát triển Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư - một trong những cơ sở dữ liệu quốc gia trọng điểm theo Nghị quyết số 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển Chính phủ điện tử. Đó cũng là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của công dân, tạo điều kiện cho công dân tham gia vào các giao dịch điện tử một cách thuận tiện và an toàn, đóng góp vào việc xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, tiến bộ.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm): Mở rộng đối tượng cấp căn cước là tạo thuận lợi cho người dân
Theo Luật Căn cước, các công dân có độ tuổi từ 6 - 14 đều được cấp căn cước. Điều này tạo thuận lợi rất lớn cho sinh hoạt và học tập của các cháu. Gia đình tôi có 2 cháu nhỏ ở độ tuổi này, thường xuyên di chuyển cùng gia đình bằng máy bay, chính vì vậy nếu được cấp căn cước sẽ rất thuận tiện, cắt giảm những giấy tờ như giấy khai sinh khi lưu thông bằng đường hàng không. Đặc biệt, đối với lứa tuổi dưới 14, việc được cấp Thẻ Căn cước sớm sẽ giúp các cháu chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện trong quá trình học tập, thi cử. Các con có thể sử dụng Thẻ Căn cước để thay thế nhiều giấy tờ khác khi tham gia các cuộc thi trong nước và quốc tế, thi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học… tại các đơn vị. Thẻ Căn cước nhỏ gọn, tiện cho các con bảo quản giấy tờ tùy thân tốt hơn, có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi. Có thể thấy, chính việc mở rộng đối tượng cấp Thẻ Căn cước là một bước chuyển biến rất lớn, góp phần phục vụ lợi ích, tạo thuận lợi cho nhân dân.
Anh Vũ Lâm Tùng (công dân Pháp gốc Việt): Giúp đảm bảo quyền lợi cho công dân gốc Việt chưa xác định được quốc tịch
Theo dõi Luật Căn cước với 10 điểm mới, tôi thấy rất tiện ích và đáp ứng yêu cầu thực tế của nhiều trường hợp công dân định cư lâu năm ở nước ngoài, hoặc người gốc Việt mà hiện nay chưa xác định được quốc tịch.
Đặc biệt, đối với các công dân gốc Việt có nhiều quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam như tôi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn vì chưa được cấp các giấy tờ như Căn cước công dân… Khoản 1, Điều 30 Luật Căn cước đã đặt ra quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã. Sau thời gian sống ở Pháp nhiều năm, đến nay trở về Việt Nam làm việc, khi đủ thời gian tôi có thể được cấp Giấy chứng nhận căn cước, giúp việc sinh hoạt trở nên thuận lợi.