Hiểu rõ về 'nguyên', 'cố', 'cựu'
Từ trước đến nay, khi muốn diễn tả ý nghĩa 'ai đó đã từng giữ chức vụ gì trong quá khứ', người Việt thường dùng 3 yếu tố gốc Hán Việt để cấu tạo nên những cụm từ nhằm thể hiện ý nghĩa mình muốn nói, đó là: nguyên, cố, cựu.
Chẳng hạn: nguyên bộ trưởng, cựu bộ trưởng, nguyên giám đốc, cựu giám đốc, cố thủ tướng… Thế nhưng để phân biệt thật rành mạch các sắc thái khác nhau của ba yếu tố Hán Việt này, không phải ai cũng hiểu rõ ràng.
Trước hết, cần phân biệt ngay một nét nghĩa quan trọng khiến “cố” khác hẳn hai đơn vị còn lại là “nguyên” và “cựu”.
“Cố” mang ý nghĩa chỉ người “đã qua đời”. Nói cách khác, nhân vật/đối tượng đang được nhắc tới không còn nữa. Chữ “cố” cũng làm cho không khí và câu chuyện đang được bàn tới thêm lùi vào xưa cũ, nghĩa là có một khoảng cách tương đối xa với hiện tại. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy các ví dụ có sử dụng chữ “cố” trong nhiều sách báo, bài viết, tài liệu. Chẳng hạn: Hành trình tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập; Sự nghiệp của cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn, người mẹ đặc biệt của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên…
Tuy thế, lại có những trường hợp người qua đời đã lâu vẫn không dùng “cố”. Người Việt sẽ không nói “cố Chủ tịch Hồ Chí Minh” bởi đối với mỗi người dân Việt Nam, Bác Hồ thật gần gũi, ấm áp và sống mãi trong lòng nhân dân. Việc dùng từ “cố” cho Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ tạo ra khoảng cách giữa Bác và Nhân dân.
Ngoài ra, còn có một trường hợp “cố” đi với từ chỉ người nhưng lại không mang ý nghĩa “người đã qua đời” mà chỉ mang ý nghĩa người cách xa mình đã lâu, tình cảm cũng ít nhiều phai nhạt. Đó là trường hợp từ “cố nhân”. Còn nhớ trong Truyện Kiều, trong đoạn Kiều báo ân báo oán, Thúy Kiều đã nói với Thúc Sinh rằng: “Nàng rằng nghĩa nặng nghìn non/Lâm Truy người cũ chàng còn nhớ không?/Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng/Tại ai há dám phụ lòng cố nhân”. Hai chữ “người cũ” thuần Việt như muốn giữ nguyên vẹn sắc thái gần gũi, tình cảm tha thiết bên nhau ngày nào. Nhưng nhắc đến hai chữ “cố nhân” thì mọi thứ đã xa tới ngút ngàn. Thơ ca Việt Nam hiện đại sau này, chữ “cố nhân” cũng xuất hiện rất nhiều trong cả thơ và nhạc.
Chữ “nguyên”, thường được sử dụng để nói về ai đó khi họ đã thôi giữ một chức vụ nhưng hiện vẫn đang công tác ở một cương vị khác, giữ một chức vụ khác. Chẳng hạn: Xin trân trọng giới thiệu ông A, nguyên..., hiện là…
Ngược lại, chữ “cựu” thường dùng khi nhân vật đang được nhắc tới đã thôi công tác, đã nghỉ hưu, thời điểm giữ chức vụ cũng đã lùi khá xa so với hiện tại. Chẳng hạn chúng ta vẫn thường quen thuộc với các cách nói: cựu Bộ trưởng, cựu Thứ trưởng… Những trường hợp nhân vật đã từng giữ chức vụ tuy nghỉ chưa lâu nhưng bị vướng vào một án kỷ luật nào đó, người ta cũng có xu hướng dùng chữ “cựu”. Ngược lại, có những trường hợp nhân vật được nói đến tuy đã thôi giữ mọi chức vụ, nhưng vì thời gian tính từ lúc bắt đầu nghỉ công tác đến thời điểm hiện tại còn chưa lâu, người ta vẫn có thể dùng chữ “nguyên”.
Như vậy, ba chữ “nguyên”, “cố”, “cựu” tuy đều là những từ có nguồn gốc vay mượn từ tiếng Hán, nhưng khi đi vào tiếng Việt, đã có cách sử dụng khá linh hoạt, không chỉ mang ý nghĩa quy chiếu sát với thực tế mà còn gắn với cảm xúc, tình cảm của người sử dụng ngôn ngữ, gắn với cả những chuẩn mực đạo đức được cộng đồng thừa nhận.
Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/doi-song-xa-hoi/hieu-ro-ve-nguyen-co-cuu-39728.html