Hiểu rõ về thẻ căn cước công dân gắn chip

Dự kiến thẻ căn cước công dân gắn chip sẽ được triển khai từ tháng 11/2020.

Đề xuất thẻ căn cước công dân sẽ được gắn chip điện tử thay vì mã vạch như hiện nay đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng.

Thẻ căn cước công dân gắn chip là gì?

Thẻ căn cước gắn chip hay còn được gọi là thẻ căn cước điện tử (e-ID). Đây là thiết bị nhận dạng thông minh cho phép tích hợp lượng lớn dữ liệu về bảo hiểm, bằng lái...

Nó đóng vai trò làm thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Người dùng chỉ cần dùng thẻ căn cước điện tử là đã có thể tiếp cận những dịch vụ cơ bản trong xã hội mà không cần cần theo hàng loạt giấy tờ rắc rối.

Về cơ bản, e-ID là thiết bị xác thực điện tử tích hợp chip bên trong. Con chip có kích thước tương tự như trên thẻ ATM. Để truy cập vào thông tin nằm trong chip, các thẻ sẽ có điểm kết nối kim loại trên bề mặt hoặc cho phép đọc dữ liệu không cần tiếp xúc nhờ ứng dụng công nghệ nhận diện qua sóng vô tuyến (RFID).

Thẻ căn cước điện tử có thể nằm trong cơ sở hạ tầng khóa công khai (PKI), lưu trữ chứng nhận điện tử được mã hóa do nhà cung cấp PKI phát hành, đi kèm nó là những thông tin cá nhân đã được tổng hợp lại của công dân.

Thẻ căn cước điện tử để làm gì?

Ngoài việc cho phép chính quyền quản lý, truy suất dữ liệu công dân nhanh, chính xác và dễ dàng, thẻ căn cước điện tử còn cho phép người dùng có thể truy cập và sử dụng hệ thống dịch vụ công.

Bên cạnh đó, thay vì phải mang nhiều giấy tờ mỗi khi đi làm việc bạn chỉ cần mang thẻ căn cước được gắn chip.

Thẻ căn cước điện tử được dùng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới

Vào năm 1987, Thổ Nhĩ Kỳ là nước đầu tiên trên thế giới triển khai e-ID trên bằng lái. Nhằm giảm tình trạng chạy quá tốc độ, vi phạm luật giao thông, chính phủ đã quyết định phát triển và sử dụng máy đo tốc độ điện tử trên phương tiện vận tải thay cho thiết bị cơ khí. Thẻ e-ID sẽ được cắm vào máy đo trước khi xe xuất phát, khi xe chạy, nếu vượt quá tốc độ cho phép, tình trạng chạy quá tốc độ sẽ được lưu lại. Tiếp sau đó sẽ có báo cáo và biên lai phạt dành cho người vi phạm.

Năm 1995, bằng lái gắn chip cũng được áp dụng tại tỉnh Mendoza ở Argentina do tình trạng vi phạm luật giao thông quá cao. Bằng lái sẽ lưu trữ thông tin cá nhân, loại bằng lái, ảnh chân dung của người vi phạm.

Ngoài ra, thẻ công dân điện tử cũng có thể lưu trữ thông tin y tế khẩn cấp như nhóm máu, dị ứng... Theo báo cáo, hệ thống e-ID giúp chính phủ Argentina thu về hơn 10 triệu USD tiền phạt mỗi năm.

Năm 1999, hệ thống bằng lái xe thông minh được ứng dụng tại bang Gujarat, Ấn Độ.

Năm 2003, Phần Lan chính thức sử dụng thẻ căn cước điện tử, cho phép công dân truy cập vào một số dịch vụ nhất định được mã hóa trên Internet.

Năm 2006, Tây Ban Nha bắt đầu cấp căn cước quốc gia (DNI) dưới dạng thẻ gắn chip thay thế dần những loại giấy tờ rắc rối trước đó.

Từ năm 1977 đến nay, đã có gần 70 quốc gia trên thế giới phát hành thẻ căn cước công dân tích hợp chip điện tử để sử dụng trong trong các dịch vụ công cộng và xã hội.

Ảnh: Internet

Hạnh Koy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/hieu-ro-ve-the-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-22020238125259331.htm