Hiệu sách tự trả tiền đầu tiên ở Hà Nội
Không có nhân viên bán hàng, không thu ngân, không bảo vệ. Hiệu sách 'tự giác' đầu tiên ở Hà Nội đang trở thành một từ khóa hot trong cộng đồng đọc.
Hiệu sách ba không
Nằm trên gác hai số 66 Hàng Trống, hiệu sách độc đáo này có tên là Tổ tò vò. Lai lịch cái tên này bắt nguồn từ thói quen thích đọc sách trong một nơi bé bé, một chỗ mang cảm giác trú ngụ, như trong một cái tổ của người sáng lập. Diện tích tiệm chỉ gói gọn trong khoảng 20m vuông, rất gợi nhớ đến những địa chỉ bán sách một thời khuynh đảo Hà Nội trên phố Đinh Lễ. Trong tiệm, không chỉ có sách, còn có đồ chơi thiếu nhi, một vài món trang trí nho nhỏ, đa phần làm thủ công. Khác với những hiệu sách thông thường, Tổ tò vò được dụng công trang trí nội thất bằng đồ mây tre và thổ cẩm nên tạo được một không gian tương đối thú vị để ngồi đọc. Tiệm gần như chỉ có người quen tìm đến, đa số là khách trẻ.
Nguyễn Lan Nhi – du học sinh Úc chia sẻ: “Em biết Hiệu này qua facebook của một nhóm đọc. Lần đầu đến vì tò mò thôi. Nay đến lần hai vì cuộc hẹn trên phố bị nhỡ, em tạt vào đây giết thời gian. Ở đây không có người quản lý, mình có thể ngồi đọc sách cả buổi cũng không phiền ai hay bị ai làm phiền. Không gian tĩnh lặng, cách bán hàng văn minh nên em rất thích. Đầu sách không nhiều, nhưng em vẫn chọn mua vài cuốn, để ủng hộ tiệm. Em khá là hồi hộp, không biết lần tới mình về nước, quay lại đây thì tiệm còn không vì qua hai lần quan sát em thấy lượng khách không phải là khả quan”.
Buổi sáng đầu tuần, hiệu sách chỉ có vài ba người. Chúng tôi, giống như Lan Nhi, cũng mua ủng hộ tiệm một vài thứ. Giá niêm yết sẵn, người mua chỉ cần quét mã và thanh toán bằng cách chuyển khoản theo thông tin tiệm công bố. Chọn mua cuốn nào, hay món đồ nào, khách lại được hướng dẫn tự ghi lại số lượng trong một cuốn sổ. “Khách hàng giống như được điều khiển bằng một thế lực vô hình”, bạn tôi vui vẻ bình luận.
Không gian Tổ tò vò hình ống, dọc hai lối đi vào có hàng ghế nho nhỏ, có gối mềm làm chỗ dựa để khách ngồi đọc. “Nếu khách mang theo cốc cà phê, thì đây đúng là một “quán sách” lý tưởng để ngồi chơi với chữ”, Lan Nhi nói thêm.
Nhược điểm duy nhất ở tiệm sách ba không này là đầu sách chưa phong phú. Các tựa sách ở đây đa phần ở mảng thiếu nhi. Nhiều phụ huynh biết địa chỉ này cũng bắt đầu cho con đến chọn sách. “Để chúng có khái niệm thế nào là tự phục vụ”, anh Trần Trung (Thanh Xuân) giải thích với chúng tôi về lý do anh cho con đến đây mua sách.
Xu hướng tất yếu
Chủ Tổ tò vò khi giới thiệu Hiệu sách của mình trên các cộng đồng đọc có nhấn mạnh rằng, sở dĩ làm cái hiệu sách này là “vì bán sách nghèo lắm, tiền đâu mà thuê nhiều nhân viên. Mặt bằng may mắn được cho mượn, chứ bán sách cả trăm năm nữa cũng không trả được tiền thuê mặt bằng ở đây”.
Chị Trần Thu Thủy, đồng sáng lập Tổ tò vò cho biết: “Đầu sách ở đây không nhiều nhưng lại đưa đến cho khách một không gian trải nghiệm tương đối thú vị, để khách có thể thoải mái tìm hiểu về sách. Nơi mà mọi người không hề thấy bất cứ một áp lực vô hình hay hữu hình nào từ một người bán hàng luôn kè kè bên cạnh. Tự phục vụ để bạn cảm thấy dễ chịu nhất, như khi bạn đang ở nhà, thong thả tìm một cuốn sách để đọc”.
Được biết, dự án Tổ tò vò được gợi ý từ những cửa hàng tự phục vụ của Nhật Bản. Những sáng lập viên giải thích, sở dĩ họ chọn cách làm mới này là vì mô hình tự phục vụ là xu hướng phát triển tất yếu: “Chúng ta cần bớt nhân lực trong những công đoạn không tạo ra giá trị. Để dành công sức lao động vào các công đoạn khác, ví dụ rì viu (review- giới thiệu) sách chẳng hạn. Vì mô hình tự phục vụ là một chỉ dấu cho một xã hội văn minh, tiến bộ. Nơi mà mọi người có thể yên tâm sống trong một môi trường lành mạnh, trung thực, tử tế, tôn trọng và yêu quý lẫn nhau”.
Để hút khách, chủ tiệm đã dụng công trang trí không gian và tạo ra nhiều góc “sống ảo” nho nhỏ phục vụ nhu cầu “chụp ảnh check in” của một số người. Và mặc dù còn khá non trẻ, Tổ tò vò đã nhận được sự ưu ái của nhiều mọt sách. Họ khuyên nhau đến đây để trải nghiệm việc mua sách tự giác và để ủng hộ một mô hình hay.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hieu-sach-tu-tra-tien-dau-tien-o-ha-noi-post1520665.tpo