Hiểu thế nào cho đúng về bản chất của đổi mới giáo dục lần này?

iểm mới của đổi mới lần này là chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ đóng vai trò là tài liệu, học liệu để giáo viên giảng dạy bám theo chương trình.

Việc đổi mới chương trình sách giáo khoa, được thực hiện theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có một chủ trương rất mới đó là thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa phổ thông.

Thời gian qua dư luận bàn nhiều về các vấn đề xung quanh quá trình thực hiện, trong đó có nhiều vấn đề cho thấy từ phía phụ huynh, nhà trường, giáo viên vẫn còn trường hợp chưa hiểu được bản chất của đổi mới giáo dục lần này.

Thay đổi quan điểm, nhận thức của một người đã khó, thay đổi nhận thức và cách tiếp cận của toàn xã hội về “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông” theo Nghị quyết 88 của Quốc hội lại càng khó gấp bội (ảnh minh họa - nguồn internet).

Nói về sự khác biệt trong chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa lần này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngô Thị Minh (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội).

Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã chỉ ra những điểm khác biệt và bản chất của cuộc đổi mới giáo dục lần này. Theo đó, từ trước đến nay, chúng ta luôn coi “Sách giáo khoa của giáo dục phổ thông là pháp lệnh”, không có chương trình riêng cho giáo dục phổ thông mà được lồng ghép cùng sách giáo khoa.

Năm 2018, lần đầu tiên giáo dục phổ thông nước ta đã có “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học” riêng biệt theo xu thế chung của thế giới và coi “chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh”, sách giáo khoa đóng vai trò là tài liệu, học liệu để giáo viên giảng dạy bám theo chương trình.

Vì vậy, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã cho phép “mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa”. Đây là điểm mới căn bản theo Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội mà mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và phụ huynh học sinh cần phải thấm nhuần.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng: “Nếu tuyên truyền không rõ, không sâu nội dung này sẽ không tạo được sự đồng thuận trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.

Thay đổi quan điểm, nhận thức của một người đã khó, thay đổi nhận thức và cách tiếp cận của toàn xã hội về “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông” theo Nghị quyết 88 của Quốc hội lại càng khó gấp bội.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã trao quyền chủ động cho các nhà giáo trong việc lựa chọn học liệu và phương pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu của chương trình.

Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đòi hỏi cả thày và trò, cả ngành giáo dục đều phải thay đổi phương thức tiếp cận, phương pháp sư phạm, phương pháp học cũng như phương pháp đánh giá, để giúp người học có khả năng tự học, tự chiếm lĩnh tri thức, tự tìm được những tri thức mình cần để phục vụ cuộc sống và công việc sau này.

Có thể khẳng định, đây là một sự thay đổi rất lớn về bản chất. Vì vậy, rất cần có thời gian và sự đồng hành, đồng thuận của toàn xã hội”.

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy rằng, qua những trao đổi và tranh luận trên truyền thông vừa rồi, Bộ cần phải tổ chức tốt hơn nữa hoạt động tuyên truyền phổ biến về chương trình giáo dục phổ thông mới, trước hết với đội ngũ các nhà giáo, các cán bộ quản lý giáo dục, qua đó lan tỏa dần đến mọi tầng lớp Nhân dân.

Chương trình giáo dục phổ thông xây dựng chuẩn đầu ra cho từng cấp học, còn sử dụng phương pháp nào, học liệu nào và tổ chức ra sao là quyền của nhà giáo và các cơ sở giáo dục.

Các cán bộ quản lý giáo dục luôn đồng hành cùng các cơ sở giáo dục thông qua việc tổ chức tập huấn, đổi mới công tác đào tạo sư phạm, giao lưu học hỏi từ các mô hình đổi mới thành công, các tấm gương điển hình...

Bà Ngô Thị Minh nhấn mạnh: “Chúng tôi hoàn toàn hiểu và chia sẻ với những băn khoăn của các vị đại biểu Quốc hội, các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh đang gặp khó khăn khi tiếp cận sách giáo khoa mới, vì chúng ta trước đây đều dạy và học theo “sách giáo khoa là pháp lệnh”, chưa từng dạy và học bám theo chương trình mới, nên đã cho rằng “sách giáo khoa là tối thượng, bất biến...”, chưa quen với cách nghĩ “sách giáo khoa chỉ là một trong nhiều học liệu, công cụ, phương tiện” để thực hiện chương trình.

Do đó, chưa quen với việc: “mỗi nhóm tác giả có quyền chủ động sử dụng các nguồn dữ liệu khác nhau mà họ tin là có thể giúp thày và trò thực hiện tốt nhất mục tiêu chương trình đặt ra”.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể cả dữ liệu đưa vào sách giáo khoa để yêu cầu Hội đồng thẩm định quốc gia sử dụng nó làm phương tiện thẩm định, thì nhiều sách giáo khoa trên thực tế sẽ chỉ là một sách, sẽ mất ý nghĩa và mục đích mà chương trình mới đang hướng tới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội là “một môn học có thể có nhiều sách giáo khoa”.

Như vậy, mục tiêu xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa sẽ không thể đạt được”.

Thực hiện xã hội hóa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 5 bộ SGK, với tổng số 46 quyển SGK lớp 1 của 9 môn học và hoạt động giáo dục để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy.

Tất cả các quyển sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn, phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường.

Điều này cho thấy thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, không còn sự độc quyền trong xuất bản, phát hành sách giáo khoa như trước đây.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 01/2020 về hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở GDPT theo quy định tại Nghị quyết 88 và đã được các nhà trường tổ chức thực hiện khá tốt, cho dù việc tổ chức lựa chọn SGK lớp 1 được thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra rất phức tạp.

Sách giáo khoa lớp 1 đã được các nhà trường lựa chọn, tổ chức dạy học, tuy bước đầu có một số lúng túng vì năm đầu thực hiện nhưng cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra; học sinh lớp 1 được làm quen với phương pháp dạy học mới, hứng thú và tự tin trong học tập.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hieu-the-nao-cho-dung-ve-ban-chat-cua-doi-moi-giao-duc-lan-nay-post104952.html