Hiểu thế nào khi quỹ ETF vẫn được lập mới với hàng trăm triệu USD, khối ngoại lại bán ròng mạnh?
Một số nhà đầu tư tổ chức ngoại cho rằng, Việt Nam chưa chiếm tỷ trọng lớn tại bất kỳ chỉ số ETF nào là một trong những lý do khiến họ không thể gia tăng nắm giữ cổ phiếu dù thị trường này rất hấp dẫn.
Khối ngoại vẫn bán ròng
Bất chấp triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực, hồi phục kinh tế mạnh mẽ, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam, thậm chí tiếp tục thu hẹp danh mục đầu tư tại đây. Nhà đầu tư ngoại bán ròng khoảng 100 triệu USD mỗi tháng trên thị trường, dù chỉ tương đương khoảng 1 - 2% tổng giá trị giao dịch, nhưng cũng phần nào tác động tới tâm lý chung.
Trong những phiên giao dịch vừa qua, dòng tiền ngoại tiếp tục rút ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong 17 phiên giao dịch từ 17/2/2021 - 15/3/2021, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng hơn 9.900 tỷ đồng.
Thực tế, dòng tiền đang có xu hướng rút ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, sau khi Mỹ thông qua gói cứu trợ quy mô lớn. Các chính sách này góp phần khiến lạm phát và chi phi vay dài hạn gia tăng, khiến dòng vốn chảy ra nước ngoài nhanh chóng quay trở lại Mỹ.
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ bán ròng tại thị trường Việt Nam, mà còn rút khỏi các thị trường chứng khoán Thái Lan, Philippines, Malaysia...
Đáng chú ý, AFC Vietnam Fund nhận định, việc Việt Nam chưa chiếm tỷ trọng lớn tại bất kỳ chỉ số ETF nào là một trong những lý do khiến nhà đầu tư lớn nước ngoài không thể gia tăng nắm giữ cổ phiếu dù thị trường này rất hấp dẫn, thậm chí phải bán bớt cổ phiếu để cân đối danh mục đầu tư.
Theo đó, các quỹ đầu tư giải ngân theo chỉ số khó có thể gia tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu Việt Nam nếu các cổ phiếu không có tỷ trọng tương xứng trong các chỉ số tiêu chuẩn.
Chưa kể, thị trường Việt Nam vẫn tồn tại những nút thắt đối với vốn ngoại, bao gồm câu chuyện cạn "room" (giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài) tại các cổ phiếu hấp dẫn.
ETF là giải pháp
Tại thị trường Việt Nam, quỹ ETF là một sản phẩm hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài do không bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu, vì vậy đây có thể là một trong những lựa chọn hiệu quả của các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường.
Chẳng hạn, trong những phiên bán ròng liên tiếp vừa qua, khối ngoại vẫn ưu ái rót tiền khá mạnh vào các quỹ hoán đổi danh mục như ETF VFMVN Diamond, FUESSVFL, E1VFVN30...
Đây cũng là lý do, ngay trong bối cảnh nhà đầu tư ngoại bán ròng, một số quỹ đầu tư mới tập trung vào thị trường Việt Nam đang được hình thành với kết quả huy động vốn ban đầu rất tích cực.
Ngày 16/3/2021, Fubon FTSE Vietnam ETF Fund trở thành quỹ Đài Loan nội địa đầu tiên được chấp thuận huy động vốn đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam, tập trung vào các cổ phiếu giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Fubon Vietnam ETF Fund dự kiến sẽ huy động hơn 200 triệu USD trong đợt IPO, mục tiêu tăng quy mô lên 357 triệu USD trong 6 tháng.
Yang Yining, Giám đốc quản lý quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF Fund cho biết, quỹ này theo dõi chỉ số FTSE Vietnam 30 Index. Đây là các cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản tốt và màn biểu diễn tích cực với lịch sử lâu dài trên thị trường.
Danh mục chỉ số FTSE Vietnam 30
“So sánh các yếu tố cơ bản và giá trị cổ phiếu tại Việt Nam với các quốc gia Đông Nam Á, có thể thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang được định giá rẻ. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng đầu tư toàn cầu đưa ra khuyến nghị mua với cổ phiếu Việt Nam. Được hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô bền vững, dòng vốn đầu tư trực tiếp gia tăng, các chính sách phục vụ tăng trưởng kinh tế, khả năng kiểm soát đại dịch nổi trội, Việt Nam có những lợi thế trong bối cảnh hiện tại để tăng trưởng. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có động lực leo dốc trong cả ngắn và dài hạn, tiếp tục thu hút thêm dòng tiền đầu tư”, CEO Fubon FTSE Vietnam ETF cho biết.
Trước đó, tháng 9/2020, một tập đoàn Đài Loan khác là CTBC Investments cũng thành lập quỹ CTBC Vietnam Equity Fund để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam với sự tư vấn từ Dragon Capital. Tổng tài sản của quỹ tính đến 29/1/2021 đạt hơn 278 triệu USD, so với quy mô hồi tháng 8 năm ngoái là 151 triệu USD. Theo Bloomberg, trong 3 tháng gần nhất, thị giá chứng chỉ quỹ này tăng 11,91%, lũy kế từ đầu năm đạt 7,99%.
Quỹ CTBC Vietnam Equity Fund hướng tới các cổ phiếu giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, quỹ này đang gom mạnh chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond ETF - một chứng chỉ quỹ ETF mô phỏng theo VNDiamond Index, chỉ số bao gồm những cổ phiếu đã hết “room” ngoại.
Tương tự, PYN Elite, quỹ đầu tư Phần Lan hiện đang quản lý khối tài sản hơn 17.000 tỷ đồng, cũng gia tăng tỷ trọng nắm giữ chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond ETF.
Fubon Financial Holdings là tập đoàn đa quốc gia Đài Loan hoạt động tại các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư… Hoạt động trải dài tại nhiều quốc gia bao gồm Trung Quốc, Mỹ…
Tại Việt Nam, Fubon Financial Holdings đã hiện diện với một số thương hiệu bao gồm Ngân hàng thương mại Taipei Fubon Việt Nam, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Fubon Việt Nam.