Hiểu thế nào về khẩu súng giám đốc công ty bảo vệ dọa 'bắn vỡ sọ' tài xế?
Theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, công cụ hỗ trợ được hiểu là phương tiện được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy…
Liên quan đến vụ ông Nguyễn Văn Sướng (52 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Hàm Long, có địa chỉ tại số 15 đường Hai Bà Trưng, phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh), người cầm súng dọa "bắn vỡ sọ" tài xế xe tải, Viện KSND TP Bắc Ninh đã phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Sướng.
Theo Viện KSND TP Bắc Ninh, khoảng 10 giờ ngày 5/9, tại đoạn đường trên Quốc lộ 18, thuộc địa phận Cầu Ngà (phường Vân Dương, TP Bắc Ninh), do mâu thuẫn khi tham gia giao thông nên Nguyễn Văn Sướng điều khiển xe ôtô nhãn hiệu Toyota Fortuner BKS 99A-306.30 vượt lên trên, bật tín hiệu xinhan bên phải với mục đích để anh Nguyễn Trung Hiếu (SN 1997, trú tại thôn Đồi Mít, xã Phú Lộc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) là lái xe ôtô tải BKS 14C-238.41 phải dừng xe.
Lúc này, Sướng và anh Hiếu cùng xuống xe. Sướng đi về phía anh Hiếu để nói chuyện, hai bên lời qua tiếng lại. Sau đó, Sướng quay lại xe ôtô của mình lấy 1 khẩu súng loại bắn đạn có đầu bọc cao su, cầm súng đi về phía xe tải rồi giơ súng lên, chĩa về phía anh Hiếu đang ngồi dọa "bắn vỡ sọ". Nhìn thấy Sướng chĩa súng về phía mình, anh Hiếu sợ hãi bỏ chạy còn Sướng vẫn tiếp tục chĩa súng, ngón trỏ tay phải đặt vào cò súng theo hướng nam tài xế. Sau khi thấy nhiều người chứng kiến và anh Hiếu đã chạy thoát Sướng mới cất khẩu súng vào túi quần bên phải, rồi lên xe ôtô rời đi.
Ngày 5/9, tại cơ quan điều tra, Sướng tự nguyện giao nộp 1 khẩu súng màu đen nhãn hiệu ROHM RG88, số RC17470285G bên trong có chứa 3 viên đạn, 1 giấy chứng nhận sử dụng công cụ hỗ trợ và 1 giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ.
Trao đổi với phóng viên về quy định sử dụng súng, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Tại phụ lục số II Ban hành kèm theo Thông tư số 21/2019/TT-BCA ngày 18/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an xác định loại súng nhãn hiệu RG88 là súng bắn đạn cao su, hơi cay, đạn nổ, đạn nhựa thuộc "Danh mục công cụ hỗ trợ". Việc cấp phép, quản lý, sử dụng "công cụ hỗ trợ" được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20/6/2017.
Cụ thể, "công cụ hỗ trợ" là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp.
Ngoài ra, công cụ hỗ trợ cũng được sử dụng khi ngăn chặn, giải tán việc gây rối, chống phá, không phục tùng mệnh lệnh của người thi hành công vụ làm mất an ninh, an toàn trại giam, trại tạm giam, cơ sở cai nghiện ma túy... hoặc phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ hỗ trợ phải tuân thủ nguyên tắc phục vụ cho công việc của người được trang bị, phù hợp với nội dung giấy phép. Phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật. Với những đối tượng như doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ thuộc nhóm được trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy phép và sử dụng đúng quy định.
Theo dõi vụ việc, luật sư Lực cho rằng: Vì không cho vượt xe mà ông Sướng đã sử dụng "công cụ hỗ trợ" là khẩu súng để đe dọa tài xế xe tải đó là hành động không phù hợp quy định pháp luật. Trong trường hợp này, giám đốc công ty bảo vệ đã sử dụng công cụ hỗ trợ không đúng mục đích và quy định hiện hành.
"Hành vi của giám đốc công ty bảo vệ vừa thể hiện tính côn đồ, manh động, vừa thể hiện văn hóa giao thông thấp kém, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để giải quyết mâu thuẫn từ việc tham gia giao thông. Trong trường hợp kết quả xác minh điều tra cho thấy hành vi của người đàn ông này là đe dọa giết người và làm cho nạn nhân sợ hãi ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đe dọa giết người, quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tội phạm này xâm phạm đến quyền được sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của công dân", luật sư Lực nhấn mạnh.
Điều 133 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội Đe dọa giết người:
- Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
+ Đối với người dưới 16 tuổi;
+ Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.