Hiểu thế nào về trường 'quốc tế'?

Sau sự việc đau lòng về trường hợp tử vong của cháu bé lớp 1 ở của trường tiểu học 'quốc tế' Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhiều câu hỏi đặt ra rằng: Trường như thế nào thì được công nhận là trường chuẩn quốc tế? Thực tế là trong các quy định của pháp luật không có quy định về loại hình trường quốc tế. Chữ 'quốc tế' chỉ được gắn vào tên trường như một tên riêng, nhằm thu hút tuyển sinh mà thôi.

Tự gắn mác quốc tế, quản lý còn bỏ ngỏ…

Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh khẳng định, trên địa bàn quận không có trường nào là trường quốc tế. Theo quyết định thành lập trường, trường Gateway được viết tên trong quyết định là “Trường tiểu học Gateway”. Chữ “quốc tế” được nhà trường tự gắn vào để “thu hút thêm học sinh”. “Trên địa bàn quận Cầu Giấy, không có trường quốc tế, chỉ có trường có yếu tố nước ngoài mà thôi” – Ông Phạm Ngọc Anh khẳng định.

Trước câu hỏi tại sao phòng giáo dục, không kiểm tra, kiểm soát việc các trường không đặt tên, quảng cáo không đúng theo quyết định thành lập, ông Phạm Ngọc Anh chưa trả lời báo chí, vấn đề còn bỏ ngỏ này khiến rất nhiều người quan tâm nhận ra là hiện nay có quá nhiều trường được mang tên quốc tế, từ cấp mầm non đến cấp THPT.

Trường Gateway trên thực tế là trường tư thục, tự chủ về tài chính, nên được quyết định mức thu học phí. Đây cũng là một trong những trường có mức thu học phí cấp tiểu học mức cao của Hà Nội. Trên trang web của Gateway, học phí bậc tiểu học năm học 2019 - 2020 được niêm yết là 117.700.000 đồng/năm. Các bậc phụ huynh có thể đóng học phí theo kỳ hoặc cả năm.

Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí theo quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP và khi thu học phí phải sử dụng hóa đơn theo quy định.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục ngoài công lập phải công khai mức thu học phí theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28-12-2017 của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải công khai mức thu học phí theo từng năm và dự kiến cho 2 năm tiếp theo. Trường hợp các cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập cũng phải công khai mức thu học phí theo từng năm học và dự kiến cho cả cấp học.

Nguồn thu của cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30-5-2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31-12-2008 hướng dẫn Nghị định số 69/2008/NĐ-CP.

Không chỉ Gateway mà rất nhiều trường ngoài công lập khác đã tự gắn mác trường quốc tế từ nhiều năm qua để thu hút học sinh và tăng lợi nhuận trong khi Luật Giáo dục không quy định cụ thể về loại hình trường quốc tế. (Ảnh Tư liệu)

Không chỉ Gateway mà rất nhiều trường ngoài công lập khác đã tự gắn mác trường quốc tế từ nhiều năm qua để thu hút học sinh và tăng lợi nhuận trong khi Luật Giáo dục không quy định cụ thể về loại hình trường quốc tế. (Ảnh Tư liệu)

Luật không quy định về trường quốc tế

Trên thực tế, các quy định Luật liên quan chưa có quy định về trường quốc tế. Theo Điều 48 của Luật Giáo dục 2005 (đang có hiệu lực) nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình: Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên; Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động; Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách Nhà nước.

Mới đây nhất, Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ 1-7-2020, cũng quy định các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân (Điều 47): Trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu; Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động. Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non.

Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động. Trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hàng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường.

Như vậy, trong Luật Giáo dục không có quy định riêng nào về loại hình "trường quốc tế". Bây giờ tên gọi "trường quốc tế" này đang được "lạm dụng", có rất nhiều phụ huynh cho rằng, trường quốc tế nghĩa là chuẩn quốc tế và không ngại mức đầu tư học phí cao.

Những trường này được gắn thêm tên “quốc tế” do có yếu tố nước ngoài; thường là có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài, hoặc cả hai. Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục. Trong đó có quy định, tên các trường có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hieu-the-nao-ve-truong-quoc-te-158704.html