Hiểu, trân trọng phụ nữ hơn qua 'Đàn bà là để yêu'
Mỗi người trong chúng ta đều có một người phụ nữ của riêng mình, đó có thể là người mẹ, người vợ, người chị em gái… Bạn nghĩ mình có thể hiểu được phụ nữ bao nhiêu phần? Hãy thử thưởng thức cuốn sách 'Đàn bà là để yêu' của tác giả Thiên Lương, để cảm nhận nhiều hơn về tính cách đa dạng của phái nữ.
Thiên Lương là dịch giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới, đặc biệt là tiếng Nga như: Bút ký từ tầng hầm, Tội ác và sự trừng phạt của nhà văn Nga Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky; Bức tranh Dorian Gray, Tội ác huân tước Arthur Savile của Oscar Wilde hay Lolita, Mỹ nhân Nga của Vladimir Nabokov…
Tuy nhiên, “Đàn bà là để yêu” là cuốn sách đầu tiên do chính tay anh viết, tập hợp những bài viết đã được tác giả chia sẻ trên Facebook, thể hiện góc nhìn của anh về cuộc sống, tình cảm, phái đẹp, việc sáng tác văn thơ… Những bài viết có phần trần trụi nhưng lại rất thật, có những câu chuyện nghe có vẻ gai góc, chỉ có những người thực sự trải nghiệm mới viết ra được những điều đó.
Cuốn sách gần 200 trang, có số lượng bán ra gấp nhiều lần mong đợi của tác giả và đã nhận về nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc. "Cuốn sách này là một phiên bản vật chất của nhiều nội dung tôi đã viết cả chục năm qua trên facebook. Sự ra đời của nó chủ yếu là để hàng chục ngàn bạn bè và người đọc facebook tôi có được một vật chứa đựng thông tin nhưng có thể tồn tại mà không cần đến mạng và sự trái tính trái nết của facebook. Thực tế thì phiên bản đầu tiên của nó dày hơn rất nhiều, nhưng rất nhiều bài bị gạt bỏ vì không phù hợp với sách in và với môi trường xuất bản. Nhiều nội dung có thể rất thú vị trên facebook vào thời điểm được viết ra, cùng với những comments của mọi người. Nhưng đem chúng ra in vào sách sẽ khó hiểu và không còn duyên nữa." - tác giả cho biết.
Có thể, với những người từng trải, đây sẽ là cuốn sách thú vị để nghiền ngẫm cuộc sống, để hiểu hơn về những chảy trôi xung quanh mình. Ẩn chứa sau mỗi câu chuyện đều thấp thoáng thông điệp về “đàn bà” và “tình yêu”.
“Đàn bà là để yêu, không phải để hiểu” – đó là ý kiến của nhà văn nổi tiếng Oscar Wilde mà tác giả Thiên Lương rất thích thú và tâm đắc. Anh cho rằng: “chúng ta vẫn hiểu được họ thôi, nhưng chẳng để làm gì.”
Là một nhà văn giàu kinh nghiệm và được nhận xét là tương đối hiểu phụ nữ, tác giả Thiên Lương khuyên bạn đọc cứ yêu đi và dành nhiều sự thấu cảm, sẻ chia hơn là cố gắng hiểu.
Còn giải thích về cách dùng từ “đàn bà”, thay vì “phụ nữ”, tác giả cho rằng: “Phụ nữ với Đàn bà thì cũng có nghĩa như nhau thôi. Chỉ có điều người Việt thường dùng chữ Hán Việt với nghĩa hàn lâm, sang trọng, tôn kính và họ có xu hướng cho rằng chữ “đàn bà” có vẻ không đẹp, thậm chí thiếu tôn trọng hơn so với “phụ nữ”. Tôi thì không cho là vậy. Cái tên này được lấy từ tên một truyện ngắn xuất sắc của đại văn hào Oscar Wilde nên tôi đã giữ nguyên.”
Sau cuốn sách này, nhà văn Thiên Lương ấp ủ dự án viết một tiểu thuyết, dịch một số sách Phật Giáo, cũng đã được một vài ngàn trang. Với anh, công việc đó chủ yếu là một hình thức thiền và mang tính chất cá nhân. Thêm vào đó là dự án dịch những tiểu thuyết lớn nhất của Dostoevsky qua tiếng Việt.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/hieu-tran-trong-phu-nu-hon-qua-dan-ba-la-de-yeu-224009.htm