Hiểu triết học bằng truyện tiếu lâm

'Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar' là cuộc du hành vào triết học với cách biện giải hài hước, dễ hiểu.

"Một người đàn ông đang lái xe xuôi theo một con đường.

Một phụ nữ lái xe chạy ngược lên cũng trên con đường đó.

Họ đi qua nhau.

Người phụ nữ hét lên qua cửa xe, “Lợn!”.

Người đàn ông hét lại, “Đồ chó cái!”.

Người đàn ông quay đầu xe ở khúc cua kế tiếp, đâm phải một con lợn to tướng nằm ngay giữa đường, và chết”.

Câu chuyện cười trên được trích trong cuốn Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar. Triết học vốn là khái niệm mang tính hàn lâm. Nhưng trong cuốn sách của Thomas Cathcart và Daniel Klein, những định nghĩa siêu hình trở nên dễ hiểu và gần gũi. Thông qua các câu chuyện cười, Thomas và Daniel giải thích các phạm trù, lập luận khác nhau của triết học bằng lăng kính độc đáo.

Ấn bản tiếng Anh và tiếng Việt của cuốn Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar. Ảnh: Amazon, Sách Nhã Nam.

Ấn bản tiếng Anh và tiếng Việt của cuốn Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar. Ảnh: Amazon, Sách Nhã Nam.

Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar được bố cục thành 10 phần và dẫn dắt qua cuộc trò chuyện của Dimitri và Tasso. Cuộc du hành của đôi bạn đi qua tư tưởng thời Plato (khoảng 427-347 trước Công nguyên) đến năm 1996, khi triết gia Saul Kripke (sinh 1940) làm thêm ca đêm ở Công ty Đô vật giải trí Thế giới (WWE).

Mỗi phần của cuốn sách là cách biện giải hài hước về Siêu hình học, Logic, Nhận thức luận: Luận về tri thức, Đạo đức học, Triết học tôn giáo, Chủ nghĩa hiện sinh, Triết học về ngôn ngữ, Triết học về chính trị và xã hội, Tính tương đối và Siêu triết học.

Thomas Cathcart và Daniel Klein trở thành phù thủy ngôn từ trong cuốn sách này. Ngay từ nhan đề, hai tác giả đã mang đến tình huống phi lý khi đặt triết gia Plato cạnh thú mỏ vịt. Cách kết hợp đặc biệt khơi gợi trí tò mò và dự báo về những câu chuyện châm biếm ngang tàng.

Truyện cười là thể loại ẩn chứa nhiều phóng dụ với các kết thúc bất ngờ. Tương tự, cách giải thích về triết học của Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar mang tới cho độc giả những suy ngẫm độc đáo và mới mẻ, khiến chúng ta hiểu về các khái niệm phức tạp dễ dàng.

 Hai tác giả Thomas Cathcart (phải) và Daniel Klein (trái). Ảnh: Flickr.

Hai tác giả Thomas Cathcart (phải) và Daniel Klein (trái). Ảnh: Flickr.

Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar trêu chọc tâm trí người đọc, tạo ra thế giới với những đảo lộn và cuối cùng đi đến kết luận khó đoán. Trong triết học, nó được gọi là cái nhìn sâu sắc về thế giới.

Các câu chuyện cười của Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar dễ đọc. Tuy nhiên, độc giả để hiểu về nó cần sự suy ngẫm và chiêm nghiệm. Nói cách khác, chúng ta sẽ hiểu 10 khái niệm của triết học qua những ví dụ cụ thể. Nhưng để rút thành kết luận cụ thể, người đọc cần phải tư duy và nghĩ sâu.

Đây cũng chính là điểm hấp dẫn của cuốn sách. Nó bày cho độc giả lối đi vào thế giới kỳ lạ và hấp dẫn. Nhưng để khám phá đi đến cuối con đường, người đọc phải tự trải nghiệm và rút ra bài học cho riêng mình. Không có câu trả lời cho tất cả. Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar là lối mở cho những biện giải về thế giới triết học trừu tượng và đầy hấp dẫn.

Cuốn sách của Thomas Cathcart và Daniel Klein từ khi xuất bản đã nhanh chóng trở thành tác phẩm bán chạy trên bảng xếp hạng của The New York Times. Nó được xem là triết học cho đại chúng bởi tính dễ hiểu, giải thích vấn đề hài hước.

Cố gắng giải thích triết học qua truyện cười, Thomas Cathcart và Daniel Klein đã mang đến cái nhìn khác về một phạm trù hàn lâm. Đó cũng chính là lời khẳng định rằng triết học hiện diện xung quanh chúng ta, như những câu chuyện tếu táo hàng ngày.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hieu-triet-hoc-bang-truyen-tieu-lam-post1126824.html