Hiệu trưởng bị 'tố' bớt xén phần ăn của trẻ mầm non
Quá trình làm nhân viên nấu ăn tại Trường Mầm non Ánh Dương (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), bà Trần Thị Thiên Kim phát hiện nhiều bất thường trong việc thực hiện bữa ăn bán trú cho trẻ và đã làm đơn tố cáo.
Trao đổi với PV VietNamNet, bà Trần Thị Thiên Kim (53 tuổi, trú thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức) cho biết, bà vừa nhận được quyết định phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Đức.
Quyết định này liên quan tới vụ việc “Tham ô tài sản”, xảy ra từ năm 2022 tại Trường Mầm non Ánh Dương (khu phố 4, thị trấn Ngãi Giao). Quyết định phục hồi điều tra căn cứ vào văn bản của Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức và văn bản của Ngân hàng Agribank chi nhánh Châu Đức, cùng đơn tố cáo trước đó của bà Trần Thị Thiên Kim.
Bà Kim cho biết, từ tháng 6/2022, bà đã làm đơn tố cáo và đề nghị các cơ quan chức năng huyện Châu Đức vào cuộc làm rõ việc bớt xén khẩu phần ăn của trẻ, đối với hiệu trưởng và những người liên quan tại trường mầm non này.
Theo bà Kim, năm 2006, bà bắt đầu làm nhân viên cấp dưỡng tại Trường Mầm non Ánh Dương. Tháng 10/2021, trường này có hiệu trưởng mới là bà P.T.H.H. Sau đó, bà Kim ký lại hợp đồng lao động và làm nhân viên nấu ăn của Trường Mầm non Ánh Dương từ ngày 6/9/2022.
“Quá trình làm việc, tôi thấy có sự thiếu hợp lý trong cách điều hành, lãnh đạo. Bởi, hiệu trưởng mới phân công nhiệm vụ với nhân viên tiếp phẩm kiêm luôn nhập khẩu phần ăn và chi thực phẩm kho hàng ngày cho trẻ sẽ dẫn đến tiêu cực, thiếu minh bạch do không có sự giám sát ở các khâu từ Ban giám hiệu trường”, bà Kim nói.
Để có cơ sở chứng minh, bà Kim sau đó thu thập số liệu và đối chiếu các khoản chi thực tế theo hóa đơn ngày, phát hiện trong 3 ngày, từ 23-25/5/2022 số tiền dôi dư mỗi ngày dao động từ hơn 800 nghìn đến gần 2,4 triệu đồng.
Cụ thể, trong ngày 23/5, số lượng trẻ là 382 em, mỗi suất ăn giá 25 nghìn đồng/trẻ, theo đó tổng số tiền là hơn 9,5 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền chi theo thực tế hóa đơn đầu vào là hơn 7,2 triệu đồng, số tiền dư lại trong ngày là hơn 2,3 triệu đồng.
Cũng cách tính tương tự, trong các ngày 24, 25/5 số tiền lần lượt dư lại trong mỗi ngày là hơn 1,8 triệu đồng và 892 nghìn đồng.
Sau sự việc được bà Kim phát hiện và phản ánh, hội đồng trường đã tổ chức họp và được nhân viên tiếp phẩm giải thích số tiền dư trên dùng để bù vào tiền gas bị âm. Thế nhưng, qua kiểm tra, số tiền gas từ tháng 2 đến ngày 23/5 còn dư gần 4 triệu đồng.
Ngoài nội dung trên, bà Kim còn tố cáo tình trạng nâng giá thực phẩm đột ngột, sử dụng sữa không theo thực đơn và đề nghị cơ quan chức năng làm rõ dấu hiệu bớt xén khẩu phần ăn của trẻ từ những tháng trước đó.
Bà Kim cho hay, sau khi đứng ra tố cáo, bà bị điều chuyển sang làm nhân viên quét dọn trường và đến tháng 5/2023, bị chính thức sa thải do “vi phạm nội quy trường, vi phạm hợp đồng lao động…”.
“Hiện nay, tôi đã làm đơn khởi kiện quyết định sa thải trái pháp luật đối với mình và đang được tòa án thụ lý, giải quyết”. Bà Kim nói.
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, từ đơn tố cáo của bà Kim, ngày 19/6/2023, UBND huyện Châu Đức ban hành văn bản số 854/TB-UBND thông báo kết quả giải quyết tố cáo, trong đó kết luận nội dung số tiền dôi dư trong các ngày 23 đến 25 như trên là có cơ sở, bà Kim tố cáo đúng.
Cũng theo thông báo kết quả giải quyết tố cáo, qua kiểm tra quá trình triển khai phân công nhiệm vụ và hồ sơ thanh quyết toán của trường nhận thấy một số nội dung chưa tuân thủ theo quy định, trách nhiệm này thuộc về hiệu trưởng (trực tiếp chỉ đạo tiếp phẩm lên thực đơn, trong khi đó nhiệm vụ này của phó hiệu trưởng), phó hiệu trưởng, kế toán trường…
Liên quan vụ việc này, ông Lê Thanh Kính - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức, cho biết, UBND huyện đã có chỉ đạo giao phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với phòng GD-ĐT tiến hành thực hiện các nội dung theo thông báo kết luận giải quyết tố cáo trên. Tuy nhiên, đến nay phòng GD-ĐT chưa được mời để phối hợp, do đó vẫn đang đợi để thực hiện.
Ông Kính cho biết thêm, hiện vụ việc cũng đã được cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ.