Hiệu trưởng hay chủ tịch hội đồng trường là người đứng đầu trường đại học?
Luật số 34/2018 và Nghị định 99/2019 không quy định địa vị pháp lý và chỉ rõ ai là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập giữa chủ tịch hội đồng và hiệu trưởng trong cơ sở giáo dục đại học.
Bộ Nội vụ vừa có công văn trả lời Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến nội dung Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến một số nội dung để xác định ai là người đứng đầu trường đại học công lập; việc xác định thẩm quyền xử lý kỷ luật trong trường đại học công lập và của bộ trưởng đối với cá nhân trong trường đại học công lập trực thuộc.
Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định chung về khái niệm thế nào là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, trong một cơ quan, tổ chức, đơn vị thì người đứng đầu là ai phải căn cứ vào quy định tại các văn bản pháp luật khác nhau để xác định.
Đối với lĩnh vực quản lý đội ngũ viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập thì Luật Viên chức 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (Luật số 52/2019), Nghị định 115/2020 có quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Hiệu trưởng là người đứng đầu
Quan điểm Bộ Nội vụ như sau, về người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP không quy định địa vị pháp lý và chỉ rõ ai là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập giữa chủ tịch hội đồng và hiệu trưởng của cơ sở giáo dục đại học công lập.
Theo đó, việc xác định người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập phải được căn cứ theo quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy và các văn bản pháp luật có liên quan quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Từ những căn cứ pháp lý nêu trên và trên cơ sở quy định của Luật số 34, Bộ Nội vụ cho rằng hiệu trưởng sẽ là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, hiệu trưởng là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học; là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; là người tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hợp tác trong nước, quốc tế, hoạt động khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quyết định của hội đồng trường, hội đồng đại học (người thực hiện việc ký quyết định tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc; người chịu chế độ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong điều hành hoạt động đơn vị, trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong thực hiện dân chủ trong hoạt động của đơn vị, trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo…).
Thứ hai, hiệu trưởng là thành viên đương nhiên trong hội đồng trường (không phải là thành viên bầu bởi hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học).
Vì sao chủ tịch hội đồng trường không là người đứng đầu?
Thứ ba, còn nếu chủ tịch hội đồng trường là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ không phù hợp, vì những lý do sau:
Một là, hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. Chủ tịch hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong số các thành viên của hội đồng trường theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín; trong đó có thể thành viên ngoài trường đại học trúng cử chủ tịch hội đồng trường, nếu trúng cử mới chuyển thành viên chức cơ hữu của trường đại học công lập.
Hai là, hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; quyết định của hội đồng trường được thể hiện bằng hình thức nghị quyết. Như vậy, hoạt động của hội đồng trường theo cơ chế tập thể, không phải theo nguyên tắc thủ trưởng lãnh đạo.
Ba là, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch hội đồng trường chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường; chỉ đạo tổ chức và chủ trì các cuộc họp hội đồng trường; ký văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hội đồng trường; thực hiện nhiệm vụ của thành viên hội đồng trường.
Bốn là, Luật 34 không có điều khoản nào quy định chủ tịch hội đồng trường là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; là người đại diện theo pháp luật, là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học; là người tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản…./.