Hiệu trưởng trao quyền cho tổ trưởng, chất lượng chuyên môn sẽ được nâng cao
Chỉ sau vài ba năm nhà trường đi vào hoạt động, tổ Ngữ văn của tôi đã có nhiều khởi sắc nhờ hiệu trưởng tin tưởng trao quyền cho tổ trưởng chuyên môn.
Sau một thời gian giảng dạy trường tư thục, tôi quyết định thi viên chức và trúng tuyển vào một trường trung học phổ thông công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tập sự một năm, nhận thấy tôi đã có kinh nghiệm làm việc trước đó, hiệu trưởng bổ nhiệm tôi làm tổ phó và sau đó là tổ trưởng chuyên môn tổ Ngữ văn.
Thời gian đầu làm tổ trưởng chuyên môn tôi rất áp lực, phần vì thiếu kinh nghiệm, phần vì giáo viên trong tổ ai cũng giỏi giang.
Có thời điểm tổ có 16 giáo viên thì hiệu trưởng và hiệu phó chuyên môn đều dạy môn Ngữ văn nên áp lực đối với tôi tăng lên gấp bội.
Tuy vậy, tôi được hiệu trưởng tin tưởng về năng lực giảng dạy và quản lí nên hầu như các kế hoạch của tổ đều được lãnh đạo phê duyệt về chuyên môn và tài chính để thực hiện.
Với vai trò tổ trưởng chuyên môn, tôi thực hiện số hóa hồ sơ sổ sách theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chẳng hạn, thực hiện giáo án điện tử dùng chung, sử dụng file giáo án word thay cho giáo án giấy.
Bên cạnh đó, tôi cùng với các giáo viên trong tổ bắt tay vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn học như dạy học qua dự án, tích hợp liên môn... theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Một trong số đó là dự án mang tên “Hai đứa trẻ – đừng đợi chuyến tàu” – lấy nội dung từ tác phẩm “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam, tích hợp với âm nhạc, vẽ, nghị luận xã hội và làm phim ngắn.
Lần đầu tổ bộ môn thực hiện dạy học theo dự án, có hàng chục giáo viên trong cụm về dự giờ thao giảng. Tôi và các thầy cô giáo trong tổ rất lo lắng vì đây là phương pháp mới chưa được nhiều trường thực hiện.
Để triển khai dự án này, tôi cùng với giáo viên bộ môn và nhóm học sinh đi đến Ga Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) nhằm giúp các em trải nghiệm không gian ga xe lửa.
Sau đó, học sinh đến mái ấm tình thương tặng quà cho trẻ mồ côi và tìm hiểu về cuộc sống nơi đây để các em có thêm tư liệu thực hiện dự án.
Từ những chuyến trải nghiệm, học sinh vẽ tranh liên quan đến tác phẩm văn học, viết bài nghị luận xã hội ngắn về cuộc sống... nên nội dung bài học rất sống động, thiết thực và các em không có cảm giác nhàm chán trong các tiết học Văn.
Nhìn chung, dạy học theo dự án khác hẳn với phương pháp truyền thống, đó là học sinh được sáng tạo và biết thêm nhiều điều mới mẻ từ quá trình trải nghiệm của bản thân. Sản phẩm học tập do các em làm ra chứ không phải kiểu thầy giảng trò nghe như truyền thống.
Sau 3 tuần thầy trò bắt tay làm dự án, trường tôi mời các đồng nghiệp cùng tổ bộ môn trong cụm đến dự giờ để học hỏi, trao đổi, chia sẻ thêm kinh nghiệm dạy học.
Sau tiết thao giảng, tôi chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệm chung cho tiết dạy. Đa số giáo viên trường bạn đều đánh giá cao tiết dạy dự án và nhiều thầy cô cho biết sẽ học tập theo phương pháp này để triển khai ở đơn vị sở tại.
Giáo viên chúng tôi và các em học sinh cảm thấy thật hạnh phúc vì việc thay đổi phương pháp dạy và học có hiệu quả, được đồng nghiệp trên địa bàn Thành phố ghi nhận và lãnh đạo đánh giá cao.
Đến năm học 2022-2023, khi ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2108 đối với bậc trung học phổ thông (lớp 10), tổ chuyên môn của tôi không hề bị động trong việc triển khai dạy học môn Ngữ văn.
Thời điểm này, tôi cũng đã mạnh dạn đề xuất với hiệu trưởng là cho tổ chuyên môn được soạn tài liệu tham khảo để thay thế những văn bản trong sách giáo khoa chưa phù hợp với học sinh - điều mà nhiều trường trên địa bàn chưa làm được hoặc không dám thực hiện.
Ban đầu hiệu trưởng cũng rất băn khoăn về hành lang pháp lí và chưa hình dung được tính khả thi của tài liệu đến đâu. Nhưng, bằng kinh nghiệm và cả bản lĩnh chuyên môn, hiệu trưởng đã đồng ý với đề xuất của tôi, sau đó các giáo viên trong tổ môn bắt tay vào soạn tài liệu tham khảo.
Qua hai năm thực hiện Chương trình giáo dục mới, tổ chuyên môn của tôi gặp nhiều thuận lợi trong việc dạy học, kiểm tra đánh giá. Có được như vậy là nhờ hiệu trưởng giao quyền tự chủ chuyên môn cho giáo viên mà người chịu trách nhiệm chính là tổ trưởng.
Hàng năm tổ chuyên môn của tôi có hàng chục học sinh đạt giải cao ở các kì thi lớn như: kì thi học sinh giỏi (lớp 12) cấp Thành phố; kì thi Olympic (lớp 10, 11) hay cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật...
Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm, điểm trung bình môn Ngữ văn của học sinh khối 12 luôn cao hơn tỉ lệ chung của Thành phố. Điều đáng ghi nhận là rất hiếm học sinh tham gia học thêm môn Ngữ văn vì các em đã được trang bị đủ kiến thức ở trường.
Nhìn chung, chỉ sau vài ba năm nhà trường đi vào hoạt động, tổ Ngữ văn của tôi đã có nhiều khởi sắc nhờ hiệu trưởng tin tưởng trao quyền cho tổ trưởng chuyên môn.
Đến thời điểm này, điều tôi cảm thấy hài lòng nhất trong việc dạy Chương trình mới đó là hiệu trưởng nơi đơn vị tôi đang công tác luôn trao quyền cho tổ trưởng tự quyết về chuyên môn và chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy trước lãnh đạo.
Thực tiễn dạy học trong các nhà trường phổ thông cho thấy, có tổ chuyên môn hoạt động rất mạnh nhưng vẫn có tổ thụ động, ỷ lại với những tồn tại tồn tại như: ít bàn về chuyên môn mà chỉ tập trung vào việc sinh hoạt sao cho đủ số lần theo quy định.
Vẫn còn nhiều tổ trưởng chưa phát huy hết vai trò, chỉ lo hồ sơ đầy đủ, sạch đẹp mà chưa chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch, chưa mạnh dạn đề xuất ý kiến với hiệu trưởng để cải thiện chất lượng chuyên môn.
Thiết nghĩ, để dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2108 hiệu quả thì hiệu trưởng cần mạnh dạn trao quyền hơn nữa cho các tổ trưởng chuyên môn. Tổ chuyên môn có vững mạnh thì các hoạt động khác trong nhà trường mới được thực hiện có chiều sâu.
Đồng thời, các thành viên trong tổ hãy đặt mình ở vị trí tổ trưởng để thông cảm mà hỗ trợ nhiệt tình trong công tác. Làm được như thế, chất lượng giáo dục ở các nhà trường phổ thông sẽ được cải thiện, vị thế nhà trường sẽ được nâng cao.