Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa nói về ấp ủ khởi nghiệp cho sinh viên
Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa nhấn mạnh đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp là chiến lược quan trọng của trường, phấn đấu trở thành trường ĐH khởi nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ngày 12-4, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tổ chức lễ công bố và phát động cuộc thi Bach Khoa Innovation mùa 7 năm 2024.
Đây là sân chơi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhằm khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên. Ngôn ngữ chính được sử dụng xuyên suốt cuộc thi là tiếng Anh.
Theo Ban tổ chức, lĩnh vực dự thi năm nay đa dạng, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ trải dài ở các lĩnh vực, tiêu biểu như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật môi trường, hóa học, cơ điện tử…
Các dự án tham gia cuộc thi cần có tính đổi mới sáng tạo, nghĩa là bao gồm phát triển các sản phẩm (hàng hóa hoặc dịch vụ), quy trình có tính chất mới hay cải tiến đáng kể và có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn thương mại.
Chia sẻ về cuộc thi này, PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường, cho rằng Trường ĐH Bách khoa đã chú trọng và có những hoạt động về đổi mới sáng tạo từ những năm 2007 và khoảng 5 năm trở lại đây, trường đã đưa hoạt động đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trở thành chiến lược quan trọng của trường, phấn đấu trở thành trường ĐH khởi nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trong đó, sân chơi Bach Khoa Innovation là một công cụ, diễn đàn cho việc thực hiện đổi mới sáng tạo của trường.
Cuộc thi ra đời năm 2018, qua mỗi năm, cuộc thi ngày càng mở rộng đến nhiều đối tượng, từ học sinh, sinh viên, học viên cao học trong và ngoài trường. Riêng năm nay, sẽ có thêm sự tham gia của các nhóm startup (khởi nghiệp), có quy trình tổ chức pitching, gọi vốn bài bản.
Theo PGS.TS Phong, chiến lược của nhà trường là đưa Bach Khoa Innovation mở rộng ra quốc tế nên ở các mùa thi đều có sự tham gia của các đối tác quốc tế, để có thể hỗ trợ cho những ý tưởng nào muốn được triển khai rộng khắp, tạo tác động xã hội lớn. Ngược lại, các đối tác quốc tế cũng mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
“Quan trọng nhất là để các nhóm nghiên cứu, các ý tưởng có cơ hội được giao lưu học hỏi, tận dụng các cơ hội để tiếp cận nguồn vốn và các chuyên gia, mạng lưới hàng đầu.
Ngoài ra, nhà trường còn thúc đẩy và duy trì các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, tiên phong trang bị các kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên, để góp phần đưa “con tàu khởi nghiệp” ra khơi” – PGS.TS Phong chia sẻ.
"Bách Khoa đã thành lập Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ (HCMUT-TBI) khoảng năm 2010, tôi là Giám đốc và Nhà sáng lập đời đầu của Trung tâm. Thời gian đầu thành lập, công việc rất khó khăn và gian nan, chúng tôi phải gõ cửa khắp nơi để làm chính sách, xin hỗ trợ từ chính sách của Thành phố và các bên liên quan. Trải qua gần 15 năm, công tác này đã đem về những nhận thức, nhận định về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhất định cho sinh viên, giảng viên cho đến các cấp lãnh đạo"- Hiệu trưởng trải lòng.
Năm 2024, cuộc thi Bach Khoa Innovation dự kiến kéo dài đến tháng 10-2024 với 3 vòng thi. Cuộc thi được chia thành 3 bảng dự thi: bảng Start-up cho nhóm khởi nghiệp (dự án từ doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh không quá 5 năm); bảng Sinh viên (cho nhóm sinh viên, cựu sinh viên); bảng Học sinh cho nhóm học sinh các trường THPT.
Xen kẽ giữa các vòng thi, các đội sẽ được hỗ trợ đào tạo kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua khóa đào tạo ngắn hạn, tư vấn/cố vấn từ chuyên gia, sử dụng Innovation FabLab phát triển sản phẩm mẫu, tham quan thực tế,...
Cơ cấu giải thưởng năm nay bao gồm gói hỗ trợ các nhóm đoạt giải để các bạn có thể phát triển ý tưởng khởi nghiệp của mình sau khi cuộc thi kết thúc.
PHẠM ANH