Hiệu trưởng Trường đại học Điện Lực: Không né tránh trách nhiệm trước sai phạm
Ngày 18.5, Thanh tra Bộ Công Thương đã công bố Kết luận thanh tra hàng loạt nội dung đối với Trường đại học Điện Lực (ĐHĐL). Nói về những sai phạm được chỉ ra bởi Kết luận thanh tra, Hiệu trưởng trường ĐHĐL Trương Huy Hoàng khẳng định, cá nhân ông không né tránh trách nhiệm nếu có sai phạm.
Tuyển sinh vượt chỉ tiêu và phê duyệt chủ trương đầu tư
Vấn đề nổi cộm nhất với ĐHĐL thời gian qua là từ năm 2011 đến năm 2014, nhà trường đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có một số em có điểm đầu vào thấp hơn điểm chuẩn được công bố của trường.
Theo ông Trương Huy Hoàng, trước hết đây là sai phạm thuộc về trường như đã được chỉ ra trong các Kết luận Thanh tra của Bộ Công Thương năm 2016 và gần đây được nhắc lại trong Kết luận Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2019. Các cá nhân liên quan đến sai phạm này đã bị xử lý kỷ luật.
TS. Trương Huy Hoàng, Hiệu trưởng Đại học Điện Lực
Tuy nhiên, không thể nói rằng các sinh viên được tuyển vào trường với điểm đầu vào thấp hơn điểm chuẩn của trường là không đảm bảo chất lượng đầu vào, vì tất cả các sinh viên này đều có điểm đầu vào ở trên ngưỡng đảm bảo chất lượng hay còn được gọi là “điểm sàn” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điểm chuẩn của các trường thường được xác định để tuyển số lượng sinh viên đầu vào đúng bằng chỉ tiêu tuyển sinh. Việc trường có tuyển một số sinh viên dưới điểm trúng tuyển là do trường đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu, nhưng một lần nữa tôi muốn khẳng định rằng tất cả các sinh viên trúng tuyển vào trường đều đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Hoàng khẳng định.
Cũng theo ông Hoàng, trong giai đoạn này mặc dù trường là trường công lập nhưng không được cấp kinh phí đào tạo như các trường công lập khác, do vậy nếu chỉ tuyển sinh đủ chỉ tiêu được giao thì sẽ không đảm bảo được kinh phí để hoạt động.
Từ năm 2015 đến nay, trường được Chính phủ cho thực hiện thí điểm thực hiện tự chủ toàn diện, học phí được phép tăng lên, nhờ đó trường đã tự đảm bảo được kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư, mà không phải tăng số lượng tuyển sinh. Công tác tuyển sinh của trường Đại học Điện lực được thực hiện nghiêm túc, bài bản, hoàn toàn không có sai phạm.
Về một số ý kiến cho rằng “Trường đã tự ý ban hành quyết định chủ trương đầu tư một số công trình xây dựng là trái pháp luật”, TS. Trương Huy Hoàng cho rằng, từ năm 2015 ĐHĐL là một trong số ít cơ sở giáo dục bậc đại học được chọn thí điểm mô hình trường công lập nhưng tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 77/NQ-CP. Đánh giá về công tác phê duyệt chủ trương đầu tư của Nhà trường, báo cáo Kiểm toán Nhà nước năm 2019 đã nêu:“Công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư của các dự án được phê duyệt từ năm 2016 đến nay được đơn vị thực hiện theo thẩm quyền quy định tại Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục công lập giai đoạn 2014-2017”. Ngay trong Kết luận của Thanh tra Bộ Công Thương vừa qua cũng có nêu lại đánh giá của Kiểm toán Nhà nước.
Trả lời một số ý kiến thắc mắc vì sao trường có nhiều sai phạm như vậy mà hiệu trưởng không bị xử lý kỷ luật, ông Trương Huy Hoàng cho biết, đã ở cương vị lãnh đạo thì phải dám làm, dám chịu trách nhiệm. “Tôi không bao giờ né tránh trách nhiệm nếu mình có sai phạm. Tháng 4/2015, sau khi đồng chí cố Hiệu trưởng Đàm Xuân Hiệp qua đời vì bệnh hiểm nghèo, tôi lúc đó là Phó Hiệu trưởng được giao phụ trách trường. Ở thời điểm đó có một số đơn thư phản ánh về đến những sai phạm của trường trong công tác đào tạo và tuyển sinh, và trong năm 2015 Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương đã có 02 đợt xác minh đối với cá nhân tôi về liên quan đến sai phạm, tiếp đó đầu năm 2016 lại có một đợt Thanh tra của Bộ Công Thương về công tác đào tạo và tuyển sinh của trường.
Qua các đợt xác minh và Thanh tra, xác định tôi không có liên quan đến các sai phạm, Bộ Công Thương mới bổ nhiệm tôi làm Hiệu trưởng vào tháng 7/2016. Một số ý kiến cố tình “buộc” tôi vào những sai phạm được nêu trong Kết luận Thanh tra là không đúng sự thật” – ông Trương Huy Hoàng nói rõ thêm.
Phó hiệu trưởng nhờ người lên lớp và tự ý nghỉ việc dài ngày
Cũng tại Kết luận thanh tra mới đây của Bộ Công Thương đã chỉ rõ những sai phạm của Phó hiệu trưởng ĐHĐL Trương Nam Hưng là không chịu đứng lớp và tìm cách khai man để hợp lý hóa quy định về đứng lớp. Sau khi nhận được thông tin phản ánh, theo quy trình, Hiệu trưởng ĐHĐL quyết định thành tập Tổ rà soát với nhiệm vụ rà soát công tác phân công, giảng dạy tại khoa Công nghệ Năng lượng do ông Trương Nam Hưng, trước đây là Trưởng khoa này.
Trường đại học Điện Lực
Qua rà soát, Tổ công tác phát hiện “một số dấu hiệu sai phạm của ông Trương Nam Hưng liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm của giảng viên và kê khai thành tích trong công tác giảng dạy”. Cụ thể, ông Hưng không dạy nhưng vẫn kê khai để xét thành tích. Việc làm này của ông Hưng, diễn ra nhiều lần trong nhiều năm học. Tổng cộng, có tới 675 tiết dạy được ông Hưng kê khai và lĩnh tiền giảng dạy, nhưng do người khác đứng lớp. Ngoài ra, còn 180 tiết khác có nghi ngờ ông Hưng không giảng dạy nhưng chưa đối chiếu chính xác.
Trên cơ sở những dấu hiệu sai phạm được phát hiện đối với ông Hưng, ngày 19.6.2019, Thường vụ Đảng ủy ĐHĐL đã có công văn số 332-CV/ĐU gửi Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy nhà trường để xác minh theo thẩm quyền. Sau khi xác minh rõ, ngày 26.7.2019, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy ĐHĐL đã có văn bản báo cáo kết quả kiểm tra về việc làm thiếu gương mẫu, thiếu trung thực nêu trên của ông Hưng.
Ngoài ra, đầu tháng 7.2019, ông Hưng đã tự ý nghỉ việc 5 ngày liên tiếp mà không hề báo cáo cấp trên. Khi hiệu trưởng hỏi đến thì ông Hưng kêu bị ốm, phải vào viện điều trị, nhưng khi nhà trường tổ chức đến bệnh viên thăm thì không thấy ông Hưng nằm viện như báo cáo.
Đến cuối năm, khi nhà trường tổ chức hội nghị lấy ý kiến đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của Phó hiệu trưởng Trương Nam Hưng (và những cán bộ quản lý khác), chỉ có 5/29 đại biểu dự hội nghị bỏ phiếu ở mức “hoàn thành tốt nhiệm vụ” cho ông Hưng, 10/29 ý kiến khác đánh giá ở mức “hoàn thành nhiệm vụ” và có tới 14/29 ý kiến đánh giá ông Hưng “không hoàn thành nhiệm vụ”.
Ngày 18.12.2019, Trường đại học Điện Lực đã thông báo kết quả tổng hợp đánh giá, phân loại công chức, viên chức năm 2019 của nhà trường. Tiếp đó, đến ngày 23.12.2019, BCH Đảng bộ nhà trường tổ chức Hội nghị thông qua nhận xét cấp ủy đối với các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, các thành viên Ban giám hiệu Nhà trường, trong đó có ông Trương Nam Hưng. Kết quả, có 9/12 thành viên tham dự đồng ý hoàn toàn với nhận xét của BCH Đảng bộ, 3 thành viên tham dự không đồng ý với nhận xét đó.
Như vậy, ông Trương Nam Hưng đã có những biểu hiện gian dối về thời gian đứng lớp, khai không trung thực về thành tích giảng dạy và sau đó còn tự ý nghỉ việc 5 ngày liên tục. Kết luận Thanh tra của Bộ Công Thương cũng đã chỉ rõ điều đó và Phó hiệu trưởng Trương Nam Hưng cần phải bị xử lý kỷ luật để lập lại kỷ cương ở trường này.