Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực nói gì về những tố cáo của nhóm cán bộ, giảng viên?
Trước hàng loạt các vấn đề liên quan đến Đại học Điện lực mà một nhóm cán bộ, giảng viên phản ánh, tố cáo, mới đây hiệu trưởng Trương Huy Hoàng đã có văn bản phản hồi gửi tới các cơ quan báo chí…
Chỉ thông tin kết quả rà soát 2 trường hợp
Trước khi ông Trương Huy Hoàng ký văn bản phản hồi nêu trên nhiều ngày, một nhóm cán bộ, giảng viên đang làm việc tại trường Đại học Điện lực đã có đơn thư phản ánh, tố cáo về nhiều lùm xùm liên quan tới ngôi trường này.
Một trong những vấn đề cán bộ, giảng viên phản ánh, đó là việc nhiều sinh viên điểm thi đầu vào dưới điểm trúng tuyển nhưng vẫn được theo học và đã được xét tốt nghiệp. Họ cho rằng ông Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực đã cấp sai quy định bằng tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên vào tháng 3/2019 vừa qua.
Một thành viên thuộc tổ rà soát hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp đại học Khóa D9 hệ kỹ sư của Đại học Điện lực cho hay, từ 2 năm trở lại đây, một năm 2 lần, trường đều tiến hành rà soát các sinh viên đến thời điểm tốt nghiệp. Khi rà soát, tổ đều phát hiện các trường hợp thiếu điều kiện, chủ yếu tập trung ở nhóm vấn đề về điểm đầu vào thấp hơn điểm xét tuyển.
Tuy nhiên, trong văn bản số 988 gửi các cơ quan báo chí truyền thông do Hiệu trưởng Trương Huy Hoàng ký ngày 16/7/2019 chỉ nêu: Nhà trường đã rà soát 2 trường hợp cụ thể mà báo nêu cho thấy đúng quy định. Những trường hợp khác ông Hoàng không công khai bản kết quả rà soát và các tài liệu liên quan.
Đang kiểm điểm các cá nhân vi phạm?
Trước phản ánh những dấu hiệu tiêu cực trong công tác đào tạo tại Khoa Điều khiển và Tự động hóa (theo phản ánh của cán bộ, giảng viên, có khoảng 13 túi bài thi bị phát hiện tình trạng sinh viên dùng các ký hiệu lạ, sau đó bài được nâng điểm - PV), văn bản mà ông Hoàng gửi đến báo chí cho biết, nhà trường đã khẩn trương thực hiện các biện pháp xử lý và đang cho kiểm điểm các cá nhân vi phạm.
Cũng nói thêm rằng, theo phản ánh, từ tháng 2/2019, nhóm giảng viên Khoa Điều khiển và Tự động hóa đã có đơn tố cáo các sai phạm gửi cho hiệu trưởng nhưng không được trường xử lý triệt để. Vì vậy, vào tháng 4 và tháng 5/2019, các giảng viên tiếp tục có đơn thư tố cáo, đồng thời cung cấp thêm những bằng chứng về sự việc này, nhưng đến nay đã 5 tháng họ vẫn chưa nhận được thông báo kết quả xử lý từ phía nhà trường.
Theo các cán bộ, giảng viên, việc chậm xử lý đơn tố cáo của Hiệu trưởng Đại học Điện lực đã vi phạm nghiêm trọng về thời hạn giải quyết tố cáo theo quy định của Luật tố cáo năm 2018 (không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý tố cáo; Trường hợp vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày - Điều 30).
Quy hoạch phó hiệu trưởng sai quy định?
Một vấn đề khác mà nhóm cán bộ, giảng viên tố cáo đó là việc quy hoạch và bổ nhiệm Phó hiệu trưởng trường Đại học Điện lực đối với ông Nguyễn Lê Cường (trước đó là Trưởng khoa Điện tử Viễn thông) không đúng quy định. Theo nhóm tố cáo, vào tháng 2/2017, ông Cường bị kỷ luật “Khiển trách” vì vi phạm thực hiện nghĩa vụ viên chức. Nhưng cùng năm đó, ông Cường vẫn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ (theo quyết định số 100/QĐ-ĐHĐL ngày 25/1/2018 vẫn do ông Trương Huy Hoàng ký). Đến tháng 4/2018, ông Cường được quy hoạch vào vị trí phó hiệu trưởng và đến ngày 2/7/2019, ông Cường được bổ nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng.
Tại trong văn bản gửi báo chí, ông Hoàng trích dẫn Luật Viên chức 2010, điều 56, khoản 2 và Quy định 105-QĐ/TW năm 2017, điều 14, khoản 5 để giải thích cho việc quy hoạch, bổ nhiệm ông Cường. Theo văn bản này thì ông Cường bị kỷ luật khiển trách vào tháng 2/2017, đến tháng 4/2018 sau 14 tháng mới được đưa vào quy hoạch là đúng quy định.
Tuy nhiên, nhóm cán bộ, giảng viên cho rằng, trong thời gian viên chức bị kỷ luật khiển trách thì phải đánh giá viên chức ở mức Không hoàn thành nhiệm vụ. Khi xét quy hoạch thì phải căn cứ vào mức độ xếp loại của viên chức trong 6 tháng trước đó. Điều này đã được nêu rõ trong hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 05/11/2012 của Ban Tổ chức Trung ương quy định “Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý…”.
Theo đó, tại điểm 3.2 khoản 3 Mục I quy định: “Kết quả đánh giá cán bộ hằng năm (không quá 6 tháng tới thời điểm xem xét) được sử dụng cho việc lựa chọn, giới thiệu cán bộ vào quy hoạch; trường hợp cán bộ có vấn đề mới phát sinh thì đánh giá, kết luận bổ sung”. Và “Kết luận về đánh giá cán bộ được thể hiện bằng văn bản, công khai trong tập thể ban thường vụ; ban cán sự đảng, đảng đoàn; đảng ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị (đối với các đơn vị sự nghiệp) hoặc tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Cấp có thẩm quyền quy hoạch cán bộ quyết định hình thức công khai đánh giá đối với cán bộ”.
Các cán bộ, giảng viên lập luận, đối chiếu với trường hợp ông Cường, nếu đúng quy định thì năm 2017, ông Cường phải bị xếp loại ở mức “Không hoàn thành nhiệm vụ”. Nếu xếp ở mức này thì việc đưa ông Cường vào quy hoạch (ngày 12/4/2018) là sai, bởi 6 tháng trước thời điểm đưa vào quy hoạch, ông Cường vẫn đang chịu kỷ luật khiển trách.
Vấn đề này, tại kết luận số 4170 ngày 13/6/2019 của Bộ Công thương cũng ghi rõ: “Về kết quả đánh giá phân loại năm 2017 đối với viên chức Nguyễn Lê Cường tại Quyết định số 100 ngày 25/01/2018 của trường Đại học Điện lực ở mức độ Hoàn thành tốt nhiệm vụ là không đúng về tiêu chí đánh giá theo quy định tại điểm h khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 28 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức…”.
Trong văn bản gửi báo chí, ông Hoàng cũng nêu thông tin “phản ứng của nhiều cán bộ giảng viên về cuộc bổ nhiệm đầy bất ngờ” là vô căn cứ và sai sự thật. Bên cạnh đó, văn bản cũng phủ nhận thông tin, tại buổi bổ nhiệm ông Cường, “sinh viên, giảng viên hay bất cứ người nào ngoài danh sách đều bị lực lượng bảo vệ ngăn cản, mời ra ngoài”. Ông Hoàng cho rằng hoàn toàn không có sự việc này, đó là thông tin sai sự thật.
Trước thông tin mà ông Hoàng nêu, nhóm cán bộ, giảng viên tố cáo khẳng định với Báo Gia đình & Xã hội rằng họ sẵn sàng đứng ra đối chất nếu hiệu trưởng tổ chức cuộc họp để làm rõ.
Thẩm quyền phê duyệt đầu tư của hiệu trưởng đến đâu?
Liên quan đến những phản ánh về công tác đầu tư xây dựng cơ bản, Hiệu trưởng Trương Huy Hoàng cho rằng nhà trường được thực hiện cơ chế thí điểm về tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014, trường có quyền tự quyết định mọi vấn đề, trong đó có việc được quyền tự quyết định chủ trương đầu tư những dự án đầu tư xây dựng tại Trường Đại học Điện lực.
Tuy nhiên, theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định “Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập”, tại điểm a khoản 2 Điều 12 quy định về sử dụng nguồn tài chính thì việc “chi đầu tư từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn vốn vay và các nguồn tài chính hợp pháp khác” phải “căn cứ nhu cầu đầu tư và khả năng cân đối các nguồn tài chính, đơn vị chủ động xây dựng danh mục các dự án đầu tư, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở danh mục dự án đầu tư đã được phê duyệt, đơn vị quyết định dự án đầu tư, bao gồm các nội dung về quy mô, phương án xây dựng, tổng mức vốn, nguồn vốn, phân kỳ thời gian triển khai theo quy định của pháp luật về đầu tư”.
Như vậy, theo Nghị định này, khi chi đầu tư từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp thì Đại học Điện lực phải xây dựng danh mục các dự án đầu tư, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt rồi mới triển khai, chứ không có quyền tự phê duyệt.
Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt đối với các dự án đầu tư công đã được quy định rõ trong Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công. Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 17 Luật Đầu tư công về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án thì “Người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án sau đây: Dự án nhóm B và nhóm C sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước do cơ quan mình quản lý, trừ dự án quy định tại điểm c khoản 3 Điều này”.
Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công thì: “Người đứng đầu Bộ, cơ quan Trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án do Bộ, cơ quan Trung ương quản lý thuộc thẩm quyền quy định tại Khoản 4 Điều 17 của Luật Đầu tư công”.
Tuy nhiên, tại Quyết định số 864/QĐ-ĐHĐL ngày 14/7/2017, ông Trương Huy Hoàng, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực đã tự ý phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án này với mức vốn đầu tư lên tới gần 270 tỷ đồng (nguồn vốn đầu tư: vốn đầu tư phát triển hoạt động sự nghiệp).
Tương tự, ông Trương Huy Hoàng, Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực cũng tự ý ra Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư công trình Trung tâm thí nghiệm này tại Quyết định số 865/QĐ-ĐHĐL ngày 14/7/2017 với mức vốn đầu tư điều chỉnh là hơn 87 tỷ đồng (nguồn vốn đầu tư: vốn đầu tư phát triển hoạt động sự nghiệp). Theo quy định, thẩm quyền thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư công trình thuộc nhóm B phải do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành.
Trường Đại học Điện lực là đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Công thương trực tiếp quản lý, hai dự án nói trên là nguồn vốn đầu tư phát triển hoạt động sự nghiệp. Do vậy, đối với các dự án nhóm B, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư phải do Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt. Tuy nhiên, ông Trương Huy Hoàng lại “vượt quyền” ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tại một số dự án thuộc Đại học Điện lực.
Những vấn đề cần tiếp tục làm rõ
Còn một số thông tin mà nhóm cán bộ, giảng viên phản ánh như: việc trường Đại học Điện lực đầu tư mua trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam (Nghệ An) mà chưa được sự phê duyệt, chấp thuận của cơ quan chủ quản năm 2011 (là Tập đoàn Điện lực Việt Nam; việc Đại học Điện lực ứng tiền (hàng tỷ đồng) cho nhà thầu thi công (hiện nhà thầu này không có khả năng thanh toán) liên quan đến gói thầu số 5 (XD-02) Xây dựng ký túc xá sinh viên cơ sở 2 của Đại học Điện lực…, những vấn đề này, trong văn bản gửi báo chí, Hiệu trưởng Trương Huy Hoàng không trả lời cụ thể.
Ngày 18/7, chia sẻ với PV, một thành viên trong Hội đồng trường Đại học Điện Lực cho biết: “Sau khi báo chí phản ánh về những vấn đề đang xảy ra tại Đại học Điện lực, đồng chí Hiệu trưởng Trương Huy Hoàng vẫn không đề xuất cuộc họp với Hội đồng nhà trường và cũng như chưa triệu tập các thành viên trong ban giám hiệu để làm rõ, đưa ra hướng xử lý những lùm xùm trên”.
Ở diễn biến liên quan, ngày 12/7, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã ra quyết định thanh tra đột xuất công tác quản lý, đào tạo của Đại học Điện lực. Theo ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT: “Thời gian thanh tra của Bộ GD&ĐT là 30 ngày. Trong thời gian này việc nhà trường phản hồi báo chí thì phải chịu trách nhiệm về thông tin họ đưa ra. Vấn đề thực tế khách quan thế nào thanh tra sẽ kết luận”.
Những lùm xùm diễn ra tại Đại học Điện lực và dấu hiệu bao che sai phạm của Hiệu trưởng Trương Huy Hoàng đang tạo nhiều bức xúc trong nội bộ nhà trường.
"Tập thể cán bộ giảng viên chúng tôi mong muốn các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc phải bị xử lý một cách nghiêm minh. Đồng thời trả lại sự trong sạch, công bằng cho môi trường giáo dục tại trường Đại học Điện Lực", một giảng viên bày tỏ.
Báo Gia đình & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.