Hiệu ứng tích cực trong việc kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn TP Hà Nội

Mặc dù số người vi phạm liên quan đến nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã giảm, ý thức người dân được nâng cao, nhưng thời gian qua, các chốt kiểm tra nồng độ cồn của Công an thành phố Hà Nội vẫn được duy trì trên đường phố bất kể ngày hay đêm.

Không bỏ sót vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ...

Nhằm xử lý triệt để các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, đã triển khai lực lượng khép kín các khung giờ, khép kín địa bàn với tiêu chí không bỏ sót vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ...

Cùng tham gia hoạt động với một tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 10 lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại nút giao giữa đường Quang Trung và đường Văn La (quận Hà Đông), phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã được chứng kiến tổ công tác liên tiếp phát hiện 3 tài xế điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn.

Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 10 kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tại Hà Đông.

Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 10 kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tại Hà Đông.

Người điều khiển phương tiện Đ.V.T (sinh năm 1986, trú tại Hải Hậu, Nam Định) điều khiển xe máy mang BKS 29X1-31.xx, vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,392 mg/L khí thở. Trình bày với Cảnh sát giao thông, tài xế T cho biết, bản thân làm nghề thợ xây nên sau giờ làm có cùng các đồng nghiệp uống khoảng 4-5 cốc bia để giải khát.

Khi được tổ công tác thông báo mức phạt với các lỗi vi phạm nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe, không có đăng ký xe, với mức phạt là 6,9 triệu đồng và tạm giữ xe 7 ngày, anh T cho biết, bản thân không nghĩ mức vi phạm lại cao đến vậy, bởi số tiền phạt cao hơn lương tháng của mình. "Sau lần này, tôi sẽ không uống bia, rượu khi tham gia giao thông", anh T chia sẻ.

Trực tiếp làm nhiệm vụ tại hiện trường, Thiếu tá Nguyễn Duy Tú, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 10 cho biết, trong những ngày thời tiết oi nóng, nhiều tài xế có tâm lý chủ quan sau khi uống vài cốc bia, rồi điều khiển xe về nhà. Tuy nhiên, chính trong những lúc chủ quan sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Hoạt động của các chốt kiểm tra nồng độ cồn kéo dài xuyên đêm.

Hoạt động của các chốt kiểm tra nồng độ cồn kéo dài xuyên đêm.

Theo Thiếu tá Nguyễn Duy Tú, số trường hợp vi phạm về nồng độ cồn ngày càng giảm, vì mức phạt rất cao, cùng với việc triển khai thường xuyên liên tục xử lý vi phạm của các đơn vị chức năng, đã giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.

“Trong những ngày đầu áp dụng Thông tư số 28/2024/TT-BCA mới của Bộ Công an, khi làm công tác xử lý vi phạm, chúng tôi sẽ tăng cường vận động, tuyên truyền người dân chấp hành luật giao thông; đồng thời hướng dẫn người dân tích hợp giấy phép lái xe vào ứng dụng VNeID để sử dụng nhiều tiện ích khác”, Thiếu tá Nguyễn Duy Tú bổ sung.

Không để lọt “giờ vàng”

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng này đã xử lý 17.897 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 81,776 tỷ đồng, tạm giữ 17.879 phương tiện, tước giấy phép lái xe 5.178 trường hợp. Trung bình kiểm tra 564 ô tô phát hiện 1 trường hợp và 31,4 trường hợp xe máy phát hiện 1 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Nhiều tài xế vi phạm đều cho rằng, họ không nghĩ vào thời điểm nửa đêm Cảnh sát giao thông còn ứng trực trên đường, nên sau khi ăn nhậu ở quán bia, rượu đã điều khiển xe máy, ô tô về nhà; và không khỏi bất ngờ khi lái xe rời bàn nhậu lúc 1 giờ sáng vẫn bị xử phạt.

Các vi phạm về nồng độ cồn được xử lý nghiêm minh theo quy định.

Các vi phạm về nồng độ cồn được xử lý nghiêm minh theo quy định.

Trung tá Đặng Hồng Giang, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3, cho biết, qua kết quả công tác triển khai việc xử lý nồng độ cồn xuyên đêm, sắp tới đơn vị sẽ triển khai trên toàn tuyến thuộc địa bàn quản lý. Quá trình triển khai các tổ kiểm tra có điều tra cơ bản tại những địa điểm thường tập trung quán ăn, nhà hàng để đạt hiệu quả cao nhất. Công việc này diễn ra thường xuyên khép kín các khung giờ.

"Việc lập chốt kiểm tra vào khung giờ từ đêm hôm trước đến sáng hôm sau, không chỉ phát hiện lái xe vi phạm nồng độ cồn, mà để hướng tới kiềm chế tai nạn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao ý thức của người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật...", Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 3 chia sẻ.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội cho biết, chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố.

Sự vào cuộc kiên quyết của lực lượng chức năng đã giúp người dân có ý thức hơn khi sử dụng rượu bia sẽ không điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Sự vào cuộc kiên quyết của lực lượng chức năng đã giúp người dân có ý thức hơn khi sử dụng rượu bia sẽ không điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn, việc xử lý quyết liệt nồng độ cồn trong thời gian vừa qua đã được các cấp, các ngành và người dân đánh giá cao, đi sâu vào cuộc sống từng hộ gia đình. Giải quyết được tình trạng có nồng độ cồn khi tham gia giao thông, không chỉ góp phần bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế tai nạn, mà còn phòng ngừa những hành vi phạm tội do rượu bia gây ra.

Nhằm nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn theo quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội sẽ tiến hành liên tục thay đổi phương thức, khép kín khung giờ tuần tra để không bỏ sót vi phạm trên địa bàn.

Bài, ảnh: TUẤN SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/hieu-ung-tich-cuc-trong-viec-kien-quyet-xu-ly-vi-pham-nong-do-con-tren-dia-ban-tp-ha-noi-784004