Nghiêm khắc và nhân văn

Vấn đề bảo vệ và chăm sóc người chưa thành niên (người chưa đủ 18 tuổi), nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự đang trở nên cấp bách khi trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13.000 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Do đó, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đang được dư luận quan tâm khi đưa ra thảo luận tại Quốc hội.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia tư pháp, quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nói riêng và chính sách về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên nói chung cần được tiếp cận chuyên biệt, phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của các em và hướng tới mục đích chính là giáo dục, cải tạo, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện nhận thức và hành vi, trở thành công dân tốt cho xã hội.

Chính vì vậy, tại dự luật này, Bộ Tư pháp đề xuất những nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp với người chưa thành niên, như: Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên phạm tội; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng (tức là thủ tục thay thế thủ tục tố tụng hình sự bằng các biện pháp giáo dục, phòng ngừa mang tính xã hội); bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên; các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế chỉ được áp dụng đối với người bị buộc tội là người chưa thành niên trong trường hợp thật cần thiết.

Tuy nhiên, quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự trong dự thảo luật ra sao để đảm bảo cả tính nghiêm khắc và tính nhân văn đang có nhiều ý kiến khác nhau trên diễn đàn Quốc hội.

Đặc biệt, dự thảo luật đề xuất giảm mức phạt tù với người chưa thành niên theo hướng giảm mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi từ 12 năm xuống 9 năm tù. Hình phạt tù chung thân và tử hình không áp dụng với người chưa thành niên. Đồng thời mở rộng trường hợp người chưa thành niên bị phạt tù được cho hưởng án treo...

Đồng tình với đề xuất trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm mức hình phạt với người chưa thành niên, trong đó có việc giảm mức phạt tù so với quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành là cần thiết, đảm bảo tốt hơn quyền lợi, cơ hội để người chưa thành niên sửa chữa, cải thiện hành vi, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế.

Không đồng tình với lập luận này, nhiều ý kiến đề nghị hạ thấp độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thậm chí đề xuất 12 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, bởi thời gian qua, tội phạm ngày càng trẻ hóa đã ở mức đáng báo động. Nhiều tội phạm dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội rất tinh vi, côn đồ, man rợ, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Tình trạng người dưới 14 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội rất nhiều nhưng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên không được coi là tội phạm. Từ đó, phát sinh tâm lý coi thường pháp luật với độ tuổi này vì nghĩ rằng có gây chuyện gì đi nữa cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự; hoặc lợi dụng người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật.

Mặt khác, hiện nay, độ tuổi trưởng thành của trẻ em về mặt tâm sinh lý đã khác trước và có nhiều luật liên quan đến độ tuổi này đã sửa đổi. Điều này đặt ra yêu cầu cần có quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đủ sức răn đe đối với người chưa thành niên phạm tội.

Thiết nghĩ, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên hướng đến việc áp dụng các hình thức phạt thay thế cho xử lý hình sự. Vì vậy, dự luật cần phải có những quy định pháp lý chặt chẽ để bảo vệ, ngăn chặn và phòng ngừa tình trạng trẻ hóa tội phạm. Đồng thời, tạo ra hành lang pháp lý để gia đình, nhà trường và xã hội nâng cao trách nhiệm phòng ngừa cho trẻ vị thành niên trước các tình huống, nguy cơ có thể nảy sinh hành vi phạm tội và tạo điều kiện tốt nhất để người chưa thành niên phạm tội tự khắc phục sai lầm, để trở thành người lương thiện.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nghiem-khac-va-nhan-van-post477652.html