Hiệu ứng tích cực từ bước chuyển mới

Cả kim ngạch và tốc độ xuất khẩu đều đạt những con số kỷ lục trong nhiều năm qua. Trong 7 tháng đầu năm 2024, cả nước xuất siêu hơn 14 tỷ USD; riêng lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm đến 9,4 tỷ USD, chiếm hơn 67% giá trị, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ đầu năm đến nay đạt gần 34,3 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Thủy sản hiện diện trong các nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD. Nguồn: VGP

Thủy sản hiện diện trong các nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD. Nguồn: VGP

Không chỉ dừng lại ở kỷ lục được xác lập, nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt hiện diện trong các nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD trong các tháng đầu năm nay như gỗ và sản phẩm từ gỗ (8,876 tỷ USD), thủy sản đạt 5,293 tỷ USD; trong đó chỉ riêng tôm hơn 2 tỷ USD, cá tra 1,02 tỷ USD, rau quả (3,83 tỷ USD), cà phê (3,537 tỷ USD), gạo (3,27 tỷ USD), cao su (1,457 tỷ USD)…

Nhiều mặt hàng nông sản vẫn đang rộng đường xuất khẩu để tiếp tục tạo ra những kỷ lục mới. Rõ ràng, xuất khẩu nông sản là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam. Ngành nông nghiệp đã có những bước chuyển đáng ghi nhận trong thời gian gần đây, thành tích và những kỷ lục mới trong xuất khẩu nông sản đánh dấu kết quả từ bước chuyển mới, từ nền nông nghiệp chủ yếu là sản xuất sang một nền kinh tế nông nghiệp. Từ phía sản xuất, không chỉ các doanh nghiệp nông nghiệp, các hợp tác xã mà ngay cả các nông hộ, đặc biệt là nông dân ĐBSCL đã lắng nghe, nắm bắt các tín hiệu của thị trường để duy trì hay đầu tư mở rộng sản xuất. Từ phía quản lý nhà nước, bước chuyển trong điều hành cũng rất linh hoạt, kịp thời. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng đang dịch chuyển, thể hiện rõ nhất ở ĐBSCL.

Trước đây, ngành nông nghiệp đặt trọng tâm theo thứ tự: lúa gạo - trái cây - thủy sản, thì nay thứ tự ưu tiên: thủy sản - trái cây - lúa gạo. Phát triển nền nông nghiệp tích hợp là hướng đi bền vững. Chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản đơn ngành sang tích hợp đa ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ; từ đơn giá trị sang tích hợp sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ nông dân sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị. Tạo ra giá trị tăng dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... thay cho tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, tài nguyên thiên nhiên.

Thách thức cạnh tranh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân ngày càng cao; trách nhiệm của cơ quan hoạch định cơ chế, chính sách, pháp luật, định ra quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng để đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng lớn. Thành thử rất cần sự tiếp cận tổng thể, sự phối hợp đa ngành và giải quyết liên ngành để ngành nông nghiệp Việt phát triển bền vững trong tương lai.

Hiện nay, không chỉ Việt Nam, mà các quốc gia trên thế giới đều phải đối diện với ba cái “biến”: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi trong tiêu dùng của thế giới. Dịch chuyển trong xu hướng tiêu dùng sẽ đòi hỏi sự dịch chuyển trong sản xuất, nếu sản phẩm Việt Nam muốn tồn tại và chinh phục tốt hơn thị trường thế giới. Trong 7 tháng năm 2024, đã có tín hiệu khả quan hơn ở những thị trường xuất khẩu thủy sản trọng điểm là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và một số quốc gia mới nổi ở Nam Mỹ.

Tuy nhiên, ngoại giao kinh tế vẫn cần hỗ trợ, mở đường cho doanh nghiệp xuất khẩu tăng tốc về đích trong những tháng cuối năm - đạt chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kỳ vọng ngành nông nghiệp xuất khẩu khoảng 54 tỷ USD.

TS TRẦN HỮU HIỆP

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hieu-ung-tich-cuc-tu-buoc-chuyen-moi-post752174.html