Hiệu ứng tích cực từ tái canh cà phê theo hướng mới

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra mục tiêu, từ năm 2021-2025 cả nước thực hiện trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107.000ha cà phê, chủ yếu tại Tây Nguyên.

Với người nông dân, nỗi lo chung là việc tái canh cà phê sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí. Nhưng nếu áp dụng cách thức mới theo đúng hướng dẫn của ngành nông nghiệp trong việc chọn giống và áp dụng công nghệ tiên tiến thì tái canh cà phê không còn là khó khăn. Ghi nhận tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.

Hơn 100ha cà phê trên 45 năm tuổi không còn năng suất ở xã Thuận An, huyện Đắk Mil nay đã được phủ lên màu xanh mới. Chỉ trồng hơn 1 năm đã có quả thu hoạch - bằng 1/3 thời gian so với tái canh cà phê truyên thống - là bởi vì anh Y Hiếu (xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) cùng gần 200 đồng bào M’Nông, Ê Đê nơi đây được học tập mô hình tái canh cà phê đa thân thả đọt. Tức là trồng cà phê theo phương pháp để cây phát triển cành nhánh một cách tự nhiên, giúp cây tạo tán lá che phủ quả khỏi ánh nắng mặt trời, giữ độ ẩm đất tốt hơn. Đồng thời, áp dụng công nghệ của Israel trong bón phân và tưới nước nhỏ giọt.

Không sử dụng thuốc hóa học, việc trồng xen canh những cây họ đậu vừa giữ đất tơi xốp, tạo thêm dinh dưỡng cho cây cà phê, vừa tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã xây dựng nhiều vườn ươm cây giống đảm bảo chất lượng để cung ứng cho nông dân, doanh nghiệp tái canh cà phê.

Hiện nay, hầu hết vườn cà phê sau khi thực hiện tái canh đều cho thấy những ưu điểm vượt trội về năng suất và chất lượng so với trước. 50% diện tích cà phê tại Tây Nguyên đã đạt các tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính, từ đó thu nhập nông dân được cải thiện, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Djuang Niê - Việt Bảo

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/hieu-ung-tich-cuc-tu-tai-canh-ca-phe-theo-huong-moi-236393.htm