Hiểu về Công ước chống tra tấn: Tương trợ tư pháp về hình sự

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, vấn đề hợp tác quốc tế rất quan trọng, đặc biệt là hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm.

Điều 9 của Công ước chống tra tấn quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên cung cấp tương trợ tư pháp trong phạm vi rộng nhất có thể để tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự đối với các tội phạm này như sau:

1. Các quốc gia thành viên phải hỗ trợ lẫn nhau một cách tối đa về các thủ tục tố tụng hình sự áp dụng đối với những hành vi phạm tội nói tại Điều 4, kể cả việc cung cấp bằng chứng cần thiết mà họ có được cho việc tiến hành tố tụng.

2. Các quốc gia thành viên phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo khoản 1 điều này phù hợp với bất kỳ điều ước quốc tế nào về tương trợ tư pháp có thể có giữa các quốc gia này.

Theo quy định trên thì việc hỗ trợ tư pháp trong quá trình tố tụng đối với tội phạm tra tấn phải được thực hiện trong toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, trong đó việc cung cấp bằng chứng cần thiết cho tố tụng là hết sức quan trọng. Công ước không đưa ra trình tự phải hợp tác như thế nào mà cho phép các thành viên thực hiện nghĩa vụ này thông qua các hiệp định tương trợ tư pháp được ký kết giữa các nước.

Đoàn công tác của Việt Nam tại phiên trình bày báo cáo quốc gia của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc.

Đoàn công tác của Việt Nam tại phiên trình bày báo cáo quốc gia của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc.

Thực hiện Điều 9 Công ước trên, với mong muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật của các quốc gia thành viên trong việc phòng ngừa, điều tra và truy tố tội phạm thông qua hợp tác và tương trợ tư pháp về hình sự, Nhà nước Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Vương quốc Căm-pu-chia, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, CHDCND Lào, Ma-lai-xi-a, Cộng hòa Phi-líp-pin, Cộng hòa Sing-ga-po và CHXHCN Việt Nam (“Quốc gia thành viên” hoặc “các Quốc gia thành viên”) đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự năm 2004.

Theo đó, tương trợ theo Hiệp định này có thể bao gồm: Thu thập chứng cứ hoặc lấy tờ khai tự nguyện từ những người có liên quan; Bố trí để những người có liên quan cung cấp chứng cứ hoặc trợ giúp trong các vấn đề hình sự; Thực hiện việc tống đạt giấy tờ, tài liệu tư pháp; Tiến hành khám xét, thu giữ; Kiểm tra đồ vật, địa điểm; Cung cấp bản gốc hoặc bản sao có xác nhận tài liệu, hồ sơ, chứng cứ có liên quan; Xác định hoặc truy tìm tài sản do phạm tội mà có và phương tiện phạm tội; Hạn chế giao dịch đối với tài sản hoặc phong tỏa tài sản có được từ việc thực hiện tội phạm có thể bị thu hồi hoặc tịch thu; Thu hồi, tịch thu tài sản do phạm tội mà có; Xác minh địa chỉ và nhận dạng người làm chứng, người bị tình nghi; Các hình thức tương trợ khác theo thỏa thuận và phù hợp với mục đích của Hiệp định này và pháp luật của quốc gia được yêu cầu.

Điều 5 (Hình thức yêu cầu tương trợ) Hiệp định quy định:

1. Yêu cầu tương trợ phải được làm bằng văn bản, hoặc trong trường hợp có thể, bằng bất kỳ phương tiện nào có khả năng tạo ra một bản sao cho phép quốc gia được yêu cầu chứng thực được. Trong trường hợp khẩn cấp, hoặc trong trường hợp mà pháp luật của quốc gia được yêu cầu cho phép, yêu cầu có thể được làm bằng lời nói với điều kiện yêu cầu sẽ được khẳng định bằng văn bản trong thời hạn 5 ngày.

2. Các cơ quan Trung ương phải chuyển toàn bộ các yêu cầu và văn bản, thư từ kèm theo. Trong trường hợp khẩn cấp và được pháp luật của quốc gia được yêu cầu cho phép, yêu cầu và mọi tài liệu, thư từ kèm theo có thể được chuyển thông qua Tổ chức Cảnh sát quốc tế (INTERPOL) hoặc Tổ chức Cảnh sát Đông Nam Á (ASEANAPOL).

Đáng chú ý, tại Điều 9 có nêu rõ về vấn đề bảo mật. Cụ thể:

1. Quốc gia được yêu cầu theo quy định của pháp luật nước mình, phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp để giữ bí mật về yêu cầu tương trợ, nội dung yêu cầu, tài liệu kèm theo yêu cầu, việc tương trợ cũng như những hành động được tiến hành theo yêu cầu đó. Trong trường hợp không thể thực hiện yêu cầu tương trợ nếu không vi phạm yêu cầu về giữ bí mật, quốc gia được yêu cầu phải thông báo việc đó cho quốc gia yêu cầu để quốc gia yêu cầu quyết định có cho thực hiện yêu cầu tương trợ trong điều kiện không cần giữ bí mật hay không.

2. Quốc gia yêu cầu, theo pháp luật nước mình, phải áp dụng các biện pháp để:

(a) Giữ bí mật thông tin, chứng cứ mà quốc gia được yêu cầu đã cung cấp, trừ trong phạm vi cần thiết cho mục đích nêu trong yêu cầu tương trợ;

(b) Bảo đảm rằng thông tin, chứng cứ được bảo vệ không để mất mát, tiếp cận, sử dụng, thay đổi, tiết lộ trái phép hoặc các hành vi lạm dụng khác.

Đỗ Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hieu-ve-cong-uoc-chong-tra-tan-tuong-tro-tu-phap-ve-hinh-su-161798.html